29/06/2020 - 08:20

Trung Quốc chuyển đổi ngành công nghiệp kỹ thuật số 

Nền kinh tế Trung Quốc bị đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề. Theo thống kê, GDP của nước này trong quý I giảm 6,8%. Song, Bắc Kinh xem cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu như là cơ hội để chuyển đổi ngành công nghiệp kỹ thuật số quy mô lớn và đầy tham vọng của mình.

Trạm cơ sở 5G ở Trung Quốc. Ảnh: AFP

Đầu tháng 3, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có phát biểu quan trọng về việc triển khai các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát COVID-19, gồm các sáng kiến phát triển “Internet công nghiệp”, trong đó có các chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp kỹ thuật số. Theo đó, các nhà khai thác viễn thông lớn của Trung Quốc được kêu gọi đảm trách việc xây dựng các mạng truyền thông chất lượng cao phủ sóng tất cả các vùng và thành phố của đất nước. Nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới qua đó tuyên bố tạo ra 20 mạng kỹ thuật số điển hình để kết nối các doanh nghiệp, yêu cầu 100 công ty công nghiệp hàng đầu Trung Quốc nâng cấp mạng kỹ thuật số cũng như bày tỏ mong muốn 1.000 doanh nghiệp dịch vụ hàng đầu tham gia chuyển đổi “Internet công nghiệp” với sự hỗ trợ của mạng 5G.

Theo định hướng chính sách của Chủ tịch Tập, một trong những nhà khai thác Internet hàng đầu Trung Quốc là Alibaba Cloud đến nay đã xây dựng 10 nền tảng Internet công nghiệp cho nhiều ngành công nghiệp như dệt may, thực phẩm và đồ uống, chế biến, thiết bị gia dụng, điện tử, in và nhuộm vải. Alibaba Cloud là công ty con của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba. Wei Wei, người đứng đầu bộ phận Internet công nghiệp đám mây của Alibaba, cho biết công nghệ mới được Alibaba Cloud ứng dụng hỗ trợ cho việc tạo ra sản phẩm tích hợp, sản xuất, bán hàng, hậu cần, quản lý năng lượng... mà về cơ bản sẽ tạo ra hệ sinh thái dịch vụ kỹ thuật số duy nhất.

Nhằm tiếp bước tiến trình chuyển đổi kỹ thuật số do Chủ tịch Tập đề xuất, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) hồi giữa tháng 5 đưa ra “Kế hoạch Hành động Ðối tác Chuyển đổi Kỹ thuật số 2020”, với sự phối hợp của nhiều bên liên quan như các bộ ngành của chính phủ, các cơ quan quản lý và các chính quyền tỉnh/thành phố. Bên cạnh việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số giữa các ngành và lĩnh vực khác nhau, kế hoạch này được thiết kế nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vượt qua khó khăn trong việc thích ứng với chuyển đổi kỹ thuật số. Do đó, kế hoạch tạo ra “mạng lưới tình báo trên nền tảng đám mây” với sự tham gia của lượng lớn SME, qua đó hỗ trợ cung cấp tích hợp thông tin, kết nối mạng tài nguyên mở, hỗ trợ về phần mềm và phần cứng, quản lý chuỗi cung ứng và đào tạo chuyên nghiệp.

Ngoài hợp tác với các cơ quan chính phủ, kế hoạch hành động trên còn có sự tham gia của một loạt các doanh nghiệp thương mại tư nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, năng lượng và tiện ích, như Alibaba, Công ty sản xuất hàng điện tử Xiaomi, Tập đoàn viễn thông Huawei, Tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử Foxconn, Dịch vụ đi chung xe Didi Chuxing, Công ty giao hàng Meituan Dianping, Tập đoàn công nghệ Tencent, Hãng viễn thông ZTE, Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc, Tập đoàn Ðiện lực Trung Quốc và Hãng sản xuất máy tính Lenovo.

Theo ước tính của Công ty chứng khoán Haitong Securities, Trung Quốc dự kiến sẽ chi hơn 27,1 ngàn tỉ nhân dân tệ (tương đương 3,78 ngàn tỉ USD) trong vòng 5 năm tới để xây dựng cơ sở hạ tầng và các khoản đầu tư có liên quan.  Chỉ riêng trong năm 2020, khoảng 3 ngàn tỉ nhân dân tệ (423 tỉ USD) sẽ được đổ vào các dự án mới, mang lại lợi ích cho các trạm cơ sở 5G, trung tâm dữ liệu, Internet công nghiệp, trí tuệ nhân tạo, xe hơi năng lượng mới…

TRÍ VĂN  (Theo The Diplomat, Data-Economy)

Chia sẻ bài viết