30/09/2009 - 08:47

Trung Quốc chuẩn bị phô diễn sức mạnh quân sự

Tên lửa Dengfeng-41 của Trung Quốc. Ảnh: Defence.pk

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1-10), Bắc Kinh sẽ giới thiệu trước công chúng và các nhà ngoại giao, quân sự quốc tế nhiều trang thiết bị quân sự 100% do người Trung Quốc chế tạo và đặc biệt là gần 90% trong số này lần đầu tiên được công bố.

Theo Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ giới thiệu 5 loại tên lửa mới do nước này sản xuất và chưa từng được công bố gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa CSS-X-10 (Dongfeng-41), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm CSS-NX-4 (Ju Lang-2), tên lửa hành trình quy ước, tên lửa quy ước tầm ngắn và tầm trung. Trong số này, đáng chú ý nhất là CSS-X-10 và CSS-NX-4.

CSS-X-10 là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn phóng từ mặt đất, được chế tạo theo công nghệ tên lửa của Trung Quốc và đã được đưa vào biên chế sử dụng của quân đội nước này. Các nhà phân tích phương Tây cho rằng loại tên lửa Dongfeng này có tầm bắn xa từ 12.000-14.000 km và có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân (mỗi đầu đạn có đương lượng nổ lên tới 90 kiloton, tức có sức công phá gấp 6 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima của Nhật Bản năm 1945). Chúng có khả năng bắn trúng nhiều mục tiêu trong cùng một lần phóng. Trong khi đó, hãng tin RIA Novosti của Nga cho rằng CSS-X-10 có thể sánh với tên lửa SS-27 Topol-M của quân đội Nga, có khả năng tấn công các mục tiêu trên nước Mỹ và đang trở thành lực lượng tấn công hạt nhân chủ chốt của Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm CSS-NX-4 cũng là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn hai giai đoạn, có tầm bắn xa từ 8.000-9.000 km và có thể mang một hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân. Theo tờ An ninh Toàn cầu, CSS-NX-4 là bản sao của tên lửa tầm xa di động trên mặt đất Dongfeng-31, được thử nghiệm lần đầu vào tháng 1-2001 từ tàu ngầm thế hệ Golf. Còn Ju Lang-2 được thử thành công hồi tháng 6-2005. Hiện nay, tên lửa này được dùng để trang bị cho tàu ngầm hạt nhân thế hệ 094 của hải quân Trung Quốc. Giới chuyên gia quân sự so sánh Ju Lang-2 với tên lửa nhiên liệu rắn ba giai đoạn tầm xa đa đầu đạn hạt nhân TRIDENT C-4 của Mỹ.

Ngoài các loại tên lửa, Trung Quốc cũng sẽ phô diễn máy bay tiêm kích và máy bay không người lái. Một trong những máy bay tiêm kích đa chức năng mới chưa được thế giới biết đến là Chengdu-10. Chiến đấu cơ này được sản xuất năm 2003 và đưa vào biên chế sử dụng năm 2005 dù chưa được công bố rộng rãi. Tuy nhiên, quân đội Pakistan vừa ký hợp đồng mua một số chiếc Chengdu-10 với giá mỗi chiếc lên tới 41 triệu USD (bao gồm dịch vụ bảo trì).

KIẾN HÒA
(Theo Le Monde, AFP, RIA Novosti, Globalsecurity)

Tên lửa Dengfeng-41 của Trung Quốc. Ảnh: Defence.pk

Chia sẻ bài viết