01/04/2017 - 18:00

Trung Quốc chiêu dụ nhân tài Hoa kiều từ Mỹ

Từ chi tiền, hứa hẹn triển vọng nghề nghiệp cho tới kêu gọi lòng yêu nước, Trung Quốc trong nhiều năm qua không ngừng đẩy mạnh chiến lược chiêu mộ các nhà khoa học tài năng ở các phòng thí nghiệm hàng đầu của Mỹ về nước phục vụ nghiên cứu quốc phòng.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công, các dự án quân sự quan trọng mà những nhà khoa học này tham gia tại Trung Quốc bao gồm chương trình phát triển vũ khí siêu thanh có khả năng thâm nhập hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại, hay những thiết kế tàu ngầm mới có thể âm thầm tuần tra dọc bờ biển phía Tây nước Mỹ.

Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos (LANL) của Mỹ. Ảnh: AP

Từ khi Đảng Cộng sản nắm quyền năm 1949, Trung Quốc đã cố gắng thu hút các nhà khoa học Hoa kiều về nước. Thành công ban đầu là sự trở lại của Tiền Học Sâm từ Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) vào năm 1955. Ông được coi là "cha đẻ" của chương trình tên lửa và vũ trụ của Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc tiếp tục ra sức thu hút nhiều nhà khoa học tài năng tại các phòng thí nghiệm liên quan chương trình vũ khí hạt nhân và quân sự khác của Mỹ, của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hay từ các công ty quốc phòng có tiếng như Lockheed Martin và Boeing.

Trong đó, nhiều nhà khoa học trước khi trở về Trung Quốc từng làm việc cho Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos (LANL). Đây là một trong các viện nghiên cứu đa ngành lớn nhất thế giới của Mỹ và cũng là nơi sản sinh ra bom nguyên tử. Theo SCMP, tuy chưa thể biết con số chính xác nhưng nhiều nhà khoa học từ LANL trở về làm việc cho các trường đại học và viện nghiên cứu của Trung Quốc đến nỗi có cả "câu lạc bộ Los Alamos".

Thành công của Trung Quốc

Một trong số nhà khoa học tài năng trở về từ LANL là Giáo sư Chen Shiyi. Theo một nhà nghiên cứu của Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS), Giáo sư Chen về nước từ năm 2001 và đóng góp không nhỏ trong chương trình phát triển phương tiện bay siêu thanh của Trung Quốc.

Năm 2015, Giáo sư Chen được giao nhiệm vụ dẫn dắt Đại học Khoa học và Công nghệ phía Nam (SUSTech) với sứ mệnh đầy tham vọng là biến ngôi trường nghiên cứu trẻ tuổi ở Thâm Quyến thành "Stanford của Trung Quốc". Điều đầu tiên ông làm chính là lập "câu lạc bộ Los Alamos" và mô hình này nhanh chóng phát triển tại hàng loạt viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc như Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa, Phúc Đán, CAS, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân.

Nhờ vậy, danh sách các nhà khoa học trở về Trung Quốc sau thời gian làm việc lâu năm tại các viện nghiên cứu danh tiếng của Mỹ càng dài ra với những tên tuổi như cựu Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu Trung tâm Khoa học Neutron LANL Zhao Yusheng, cựu Quản lý dự án chuyên ngành hóa học tại LANL Wang Xianglin, người từng đảm nhiệm vai trò chuyên gia cho Trung tâm Phân tích Dữ liệu An ninh Quốc gia của Bộ Quốc phòng Mỹ. Danh sách này còn có Tiến sĩ He Guowei - chuyên gia nghiên cứu tại Viện Cơ khí của CAS. Hiện nhóm của Tiến sĩ He đang phát triển các mẫu máy tính phục vụ chương trình phát triển tàu ngầm. Đột phá gần đây cho phép họ nhanh chóng dự đoán nhiễu loạn do tàu ngầm một cách chính xác hơn. Công nghệ này mở đường cho Trung Quốc chế tạo tàu ngầm chạy êm hơn cũng như tăng cường khả năng phát hiện tàu ngầm nước ngoài.

Nguy cơ an ninh với Mỹ

Năm 1999, Washington từng cáo buộc nhà vật lý hạt nhân Đài Loan Wen Ho Lee, làm việc tại LANL, tuồn bản thiết kế đầu đạn hạt nhân tiên tiến nhất của Mỹ cho Trung Quốc. Cáo buộc này được hủy bỏ vào năm 2006 do thiếu bằng chứng nhưng vụ việc dấy lên mối lo ngại lan rộng về giới khoa học gốc Trung Quốc tại các phòng thí nghiệm Mỹ. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) James Andrew Lewis, nhiều khả năng các nhà khoa học Trung Quốc là mục tiêu tuyển dụng gián điệp của Bắc Kinh.

Về vấn đề này, một chuyên gia an ninh Trung Quốc nói với SCMP rằng Chính phủ Mỹ mặc dù biết rõ nạn chảy máu chất xám nhưng họ không thể làm gì nhiều bởi các nhà khoa học có quyền tự do chọn làm việc ở đâu và cho ai. Song song đó, việc thuê nhiều nhà khoa học nước ngoài lại là nhu cầu chung của các viện nghiên cứu của Mỹ để bù đắp cho sự thiếu hụt tài năng khoa học và kỹ thuật. "Thậm chí cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không làm được gì nhiều. Nếu ông ta cấm các nhà khoa học nước ngoài, các viện nghiên cứu của Mỹ sẽ đóng cửa ngay lập tức bởi không có nhiều người Mỹ muốn trở thành nhà khoa học"- SCMP trích nhận xét của học giả Trung Quốc.

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết