16/11/2010 - 08:48

Trung Quốc, Ấn Độ và Nga cam kết tăng cường hợp tác

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì (giữa), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna. Ảnh: AP

(TTXVN)- Sau hai ngày tiến hành hội đàm ba bên lần thứ 10 tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna ngày 15-11 đã đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Trong cuộc hội đàm ba bên này, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết với tư cách là các nước đang phát triển quan trọng, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ có lập trường giống nhau trong nhiều vấn đề quốc tế, khu vực, và ba nước đã đạt được thỏa thuận chung nhằm thúc đẩy quan hệ ba bên. Ngoại trưởng Trung Quốc đã đề xuất ba nước cần đưa ra phương hướng cho sự phát triển trong tương lai trên nền tảng kết quả đạt được từ sự hợp tác trong quá khứ. Cho rằng ba nước cần mở rộng hợp tác, chia sẻ cơ hội phát triển và cùng đối phó với các thách thức nhằm đạt được mục tiêu thúc đẩy dân chủ hóa quan hệ quốc tế và đa cực hóa, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì cũng kêu gọi ủng hộ cơ quan Liên Hiệp Quốc đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề quốc tế.

Các ngoại trưởng nhất trí cho rằng trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn biến phức tạp và thay đổi sâu sắc, ba nước Trung Quốc, Nga và Ấn Độ cần tăng cường liên lạc và hợp tác, đóng vai trò tích cực trong khuôn khổ các nước mới nổi BRIC (Brazil, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ) và cơ cấu hợp tác kinh tế và an ninh châu Á - Thái Bình Dương, cũng như thúc đẩy trật tự quốc tế theo hướng công bằng và dân chủ.

Ba bên đều cho rằng cơ chế Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) là diễn đàn chủ yếu để hợp tác kinh tế - tài chính quốc tế, đồng thời kêu gọi tất cả các thành viên G-20 thực hiện thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị G-20 mới đây tại Hàn Quốc, trong tương lai tăng cường hợp tác về chính sách kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, bền vững và cân đối. Ba vị ngoại trưởng cũng kêu gọi tái cơ cấu hệ thống tài chính quốc tế, nhấn mạnh tới phát triển và phản đối chủ nghĩa bảo hộ.

Ngoại trưởng ba nước cũng nhất trí tăng cường hợp tác ba bên mang tính thực tiễn và quyết định cuộc gặp lần tới sẽ được tổ chức tại Nga vào năm 2011.

Chia sẻ bài viết