28/01/2021 - 08:03

Trung, Mỹ trong đấu trường không gian 

Cách nay 15 năm, Trung Quốc đã tham gia vào cuộc đua phát triển vũ khí chống vệ tinh. Giờ đây, Trung Quốc có thể đe dọa “phi đội quỹ đạo” vốn mang lại lợi thế về công nghệ cho quân đội Mỹ.

Một vệ tinh do thám của Mỹ. Ảnh: AP

Theo New York Times, những loại vũ khí tiên tiến tại các căn cứ quân sự Trung Quốc có thể bắn đầu đạn phá vỡ vệ tinh cũng như chùm tia laser có khả năng làm mù các hệ thống cảm biến tinh vi của Mỹ.

Sự trỗi dậy của Bắc Kinh

Trung Quốc bắt đầu các cuộc thử nghiệm chống vệ tinh vào năm 2005. Năm 2007, Bắc Kinh gây chú ý khi bắn vỡ một vệ tinh thời tiết, tạo ra tổng cộng hơn 150.000 mảnh vỡ, đe dọa các vệ tinh cũng như Trạm Vũ trụ Quốc tế. Trung Quốc sau đó tiến hành thêm khoảng một chục cuộc thử nghiệm mà về mặt lý thuyết có thể đặt hầu hết các tàu vũ trụ của Mỹ vào tình trạng nguy hiểm.

Song song đó, Bắc Kinh cũng tìm cách đa dạng hóa lực lượng chống vệ tinh. Năm 2005, Trung Quốc bắt đầu đưa tấn công mạng vào các cuộc tập trận quân sự, chủ yếu nhằm vào mạng lưới vệ tinh của đối phương. Về mặt lý thuyết, các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc có thể cắt đứt liên lạc của Lầu Năm Góc với nhóm vệ tinh theo dõi chuyển động của kẻ thù, chuyển tiếp thông tin liên lạc và cung cấp thông tin cho việc nhắm mục tiêu vào vũ khí thông minh.

Không những vậy, Trung Quốc trong những năm gần đây còn đẩy mạnh hoạt động không gian. Trong 3 năm qua, Bắc Kinh phóng nhiều tên lửa vào không gian hơn bất kỳ quốc gia nào khác, đồng thời thúc đẩy phát triển vũ khí chống vệ tinh cũng như nhiều dự án quân sự và khoa học khác, gồm sứ mệnh đem đất đá về từ Mặt trăng. Hồi tháng 6 năm ngoái, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết đã đạt được tiến bộ mới trong việc sử dụng vật lý lượng tử để liên kết thông tin giữa tàu vũ trụ và trạm điều khiển. Cũng trong thời gian đó, Trung Quốc hoàn thành kế hoạch triển khai 35 vệ tinh dẫn đường cuối cùng, giúp quân đội nước này có được tính chính xác trong việc tiến hành các cuộc tấn công trên mặt đất.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ hồi năm 2019 cảnh báo, Trung Quốc dường như có kế hoạch triển khai hệ thống laser thế hệ mới cực mạnh, có thể đặt hệ thống vệ tinh của Mỹ vào tình trạng nguy hiểm.

Lời đáp từ Washington

Trong nhiệm kỳ thứ 2, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã công bố “chiến lược bù đắp” để đối phó với Trung Quốc và các mối đe dọa khác, bằng cách tận dụng lợi thế công nghệ xứ cờ hoa. Theo đó, Washington đẩy mạnh phát triển robot, vũ khí tốc độ cao cũng như tạo ra nhiều đột phá khác nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

“Chiến lược bù đắp” của Mỹ cũng tìm cách thu nhỏ kích thước các vệ tinh. Nhiều thập kỷ qua, những vệ tinh kích thước lớn “ngốn” khoản chi phí phát triển kếch xù. Một số vệ tinh có ăng-ten rộng gần bằng sân bóng đá thậm chí tốn trên 1 tỉ USD để thiết kế, phát triển, vận hành và duy trì hoạt động. Song, giới chuyên gia Mỹ lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng iPhone để chế tạo ra các tàu vũ trụ nhỏ bằng ổ bánh mì, khiến cho việc nhắm mục tiêu của vũ khí chống vệ tinh trở nên khó khăn hơn nhiều.

Trước những lo ngại về bước tiến của Trung Quốc trong không gian, Mỹ cũng tăng chi tiêu kiểm soát không gian. Theo báo cáo của NASA, đầu tư liên bang vào các doanh nghiệp công nghệ lên tới 7,2 tỉ USD, phần lớn là dưới thời ông Obama. Ðến thời Tổng thống Donald Trump, ông đã cho thành lập Lực lượng Không gian (USSF). Hồi tháng 3 năm ngoái, USSF cho biết đã sở hữu vũ khí tấn công đầu tiên. Ðặt trên đất liền, hệ thống bắn ra các chùm năng lượng để phá hủy tàu vũ trụ. Cũng trong năm ngoái, chính quyền Trump còn yêu cầu Quốc hội thông qua kế hoạch chế tạo vũ khí chống vệ tinh với kinh phí lên tới hàng trăm triệu USD. Ðược biết, Mỹ hiện sở hữu 1.425 vệ tinh, trong khi Trung Quốc có 382 vệ tinh trong không gian.

Đấu trường cạnh tranh quyền lực

Những thông tin trên của New York Times là lời nhắc nhở cho chính quyền tân Tổng thống Joe Biden về cuộc chạy đua thống trị không gian đang diễn  ra gay gắt giữa 2 nền kinh tế lớn nhất và nhì thế giới. Ông Biden đang thừa hưởng các di sản chống vệ tinh, bao gồm tấn công và phòng thủ, cùng hệ thống vệ tinh tinh vi từ những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, Greg Grant, một quan chức Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Obama, cảnh báo rằng Trung Quốc có khả năng đánh bại Mỹ trong cuộc chiến trên không gian. “Liên Xô đã không bao giờ có thể so sánh, chứ chưa nói đến vượt qua, sự vượt trội về công nghệ của Mỹ. Nhưng điều này cò thể không đúng với Trung Quốc”, ông Grant nhận định.

Trong cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ, tân Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin tuyên bố sẽ tập trung phát huy lợi thế cạnh tranh của Mỹ chống lại sức mạnh quân sự đang tăng lên của Trung Quốc. Ông Austin cho rằng Washington cần có những bước tiến mới trong việc xây dựng “các nền tảng trên không gian” và gọi không gian là “miền chiến tranh”. “Không gian đã là một đấu trường cạnh tranh quyền lực lớn mà Trung Quốc là mối đe dọa đáng kể nhất trong tương lai”, ông Austin nhấn mạnh.

TRÍ VĂN (Theo NYT) 

Chia sẻ bài viết