05/08/2015 - 21:10

Trung – Mỹ thảo luận vấn đề Biển Đông

Mặc dù Bắc Kinh cố tránh vấn đề Biển Đông, nhưng căng thẳng liên quan tranh chấp trên vùng biển chiến lược này vẫn chiếm phần quan trọng trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị ngoại trưởng thường niên của 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Cuộc gặp song phương giữa hai nhà ngoại giao diễn ra hôm 5-8, một ngày sau khi các nước Đông Nam Á kêu gọi "kiềm chế hành vi làm phức tạp hay leo thang căng thẳng ở Biển Đông". Hiện tại, ngoài chỉ trích của Mỹ, một số quốc gia châu Á đang báo động việc Bắc Kinh cải tạo ồ ạt trên 7 rạn san hô và bãi đá ngầm mà nước này chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị gặp gỡ trước cuộc hội đàm song phương. Ảnh: Reuters

Phát biểu trước cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định sẽ thảo luận với Trung Quốc về lời kêu gọi dừng các hoạt động trong vùng biển tranh chấp. Tiếp xúc với các Ngoại trưởng ASEAN sau đó, ông Kerry cho biết hai bên "đã có cuộc gặp tốt đẹp". Tuy không công bố chi tiết, nhưng theo giới truyền thông thì nội dung thảo luận chủ yếu gồm quan điểm của Trung Quốc trên Biển Đông và vai trò của Bắc Kinh đối với thịnh vượng khu vực.

Đặc biệt, giới chức cấp cao Mỹ cho biết ông Kerry tại cuộc gặp tiếp tục bày tỏ quan ngại của Washington đối với tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông sau "hoạt động cải tạo, xây dựng và quân sự hóa trên quy mô lớn của Trung Quốc". Qua đó, đại diện ngoại giao Mỹ kêu gọi Bắc Kinh "kìm hãm yêu sách lãnh thổ vốn là nguyên nhân dẫn tới xung đột ngoại giao với nhiều nước trong khu vực", phối hợp các bên liên quan "ngăn chặn những động thái có vấn đề" nhằm hạ nhiệt căng thẳng và mở đường cho ngoại giao. "Chúng tôi muốn đảm bảo an ninh đối với tuyến đường biển quan trọng và ngư trường trọng yếu, muốn chứng kiến các tranh chấp trong khu vực được giải quyết một cách hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế" – ông Kerry nói thêm.

Về phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương trong bài phát biểu ngắn gọn sau cuộc hội đàm tuyên bố hai nước Mỹ - Trung đã nhất trí tìm kiếm biện pháp giải quyết các tranh chấp trên biển một cách "hợp lý và thân thiện". Tuy không nêu cụ thể, ông Vương cho biết Trung Quốc sẽ theo đuổi "các cuộc thảo luận hòa bình" nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Với "đường 9 đoạn" phi lý tự vẽ ra trên Biển Đông, Trung Quốc gần như chiếm trọn vùng biển then chốt không chỉ có tiềm năng về năng lượng mà còn là tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới. Ngoài hoạt động cải tạo, xây dựng nhằm hiện thực hóa "tuyên bố chủ quyền", Trung Quốc còn lắp đặt căn cứ quân sự, trạm radar, xây đường băng trên bãi đá mà họ chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. Một nguồn tin quân sự phương Tây mới đây cho biết Bắc Kinh đang xây dựng căn cứ tàu sân bay thứ 2 tại đảo Hải Nam để tăng cường tiềm lực quân sự ở Biển Đông. Theo tạp chí quốc phòng Canada, công trình này được khởi công từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành trong năm nay. Với những hạng mục cơ bản đã hoàn tất, căn cứ tàu sân bay mới có phần cầu tàu được xem dài nhất thế giới với chiều dài 700m và rộng 120m. Khi đưa vào sử dụng, nó có thể chứa 2 tàu sân bay hoặc tàu lớn khác trong cùng thời điểm.

Theo chuyên gia Ma Yao thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Đại học Thượng Hải, với vị trí chiến lược gần 3 eo biển là Malacca, Lombok và Sunda, đảo Hải Nam trở thành nơi lý tưởng để xây dựng căn cứ hải quân. Ngoài ra, khu vực này với trang thiết bị phòng thủ tiên tiến sau nhiều năm phát triển sẽ là nguồn lực hỗ trợ tốt cho căn cứ tàu sân bay. Quan trọng hơn, căn cứ tàu sân bay ở đảo Hải Nam với vùng nước sâu và vành đai rộng có thể phục vụ như lớp chắn bảo vệ lực lượng hạt nhân Trung Quốc trong tác chiến chống ngầm.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết