19/03/2020 - 01:05

Dịch COVID-19

Trung, Hàn hợp tác thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị 

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong bối cảnh các nước trên toàn thế giới đang tích cực nghiên cứu thuốc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang triển khai hợp tác nghiên cứu thuốc điều trị.

Khử khuẩn bên ngoài một nhà ga ở Milan. Ý đang là tâm dịch lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.

Đầu tháng 3, Viện Nghiên cứu Dược phẩm Thượng Hải của Trung Quốc đã đề xuất với Đại học Y Yonsei của Hàn Quốc “thử nghiệm lâm sàng chung” loại thuốc điều trị do cơ quan này phát triển. Một tuần sau, hai bên đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác.

 Hiện tại, trên toàn thế giới có gần 100 cuộc thử nghiệm đang được tiến hành, với hai mục tiêu chính là sản xuất thuốc kháng SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và tìm ra thuốc điều trị giúp giảm nhẹ các triệu chứng viêm phổi, cứu sống bệnh nhân.

Nước đi đầu trong công tác phát triển thuốc điều trị là Trung Quốc, với hơn 70 cuộc thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành, và nghiên cứu cả dược liệu Đông y. Sau Trung Quốc là Mỹ với 7 thử nghiệm lâm sàng của Viện Y tế Quốc gia Mỹ và một số công ty dược phẩm, đáng chú ý trong đó là loại thuốc “Remdesivir”.

Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul cũng đang tham gia thử nghiệm lâm sàng. Ngoài ra, Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Hàn Quốc đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng thuốc “Kaletra”.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tốc độ nghiên cứu lâm sàng. Do vậy, các nhà nghiên cứu quyết định tìm kiếm thuốc điều trị COVID-19 trên cơ sở các loại thuốc hiện có. Để phát triển thuốc điều trị hoàn toàn mới sẽ tốn rất nhiều thời gian. Trong khi đó, các loại thuốc hiện hành đã có đủ tài liệu liên quan, các nhà nghiên cứu có thể khai thác những tài liệu này để rút ngắn thời gian phát triển loại thuốc mới.

WHO khuyến cáo tránh dùng ibuprofen

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 17-3 đã khuyến cáo những người đang có các triệu chứng mắc COVID-19 tránh sử dụng thuốc chống viêm ibuprofen sau khi Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo thuốc chống viêm này có thể làm bệnh tình trầm trọng thêm.

Pháp đưa ra lời cảnh báo trên sau khi một nghiên cứu gần đây đăng tải trên tạp chí y học The Lancet đưa ra giả thuyết cho rằng một enzyme thúc đẩy bởi các thuốc chống viêm như ibuprofen có thể làm cho bệnh tình của bệnh nhân mắc COVID-19 trở nên trầm trọng. 

Theo người phát ngôn WHO Christian Lindmeier, các chuyên gia của WHO đang xem xét nghiên cứu này để đưa ra những chỉ dẫn sâu sắc hơn. Ông nêu rõ: “Trong thời gian này, chúng tôi đề nghị sử dụng thuốc paracetamol và không dùng ibuprofen để tự điều trị. Điều này rất quan trọng”. 

Ngay cả khi trước đại dịch bùng phát, giới chức Pháp đã lên tiếng báo động về những “biến chứng gây nhiễm trùng” nghiêm trọng có liên quan tới sử dụng ibuprofen, được bán trên thị trường dưới nhiều nhãn hiệu thuốc như Nurofen và Advil và các loại thuốc chống viêm khác.

EU đóng cửa biên giới
Tối 17-3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí quyết định đóng cửa biên giới ngoài EU trong 30 ngày đối với những người không phải là công dân của khối để ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Trong cuộc họp báo với ông Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố việc đóng cửa biên giới sẽ tùy thuộc vào quyết định triển khai của từng quốc gia thành viên.
Sau Ý, Tây Ban Nha và Pháp, kể từ trưa 18-3, đến lượt Bỉ tiến hành phong tỏa toàn quốc, hạn chế tối đa các di chuyển và người dân được đề nghị ở nhà.

 

Số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tính tới chiều 18-3
Thế giới. Nhiễm: 199.338; tử vong: 7.994
Trung Quốc. Nhiễm: 80.894; tử vong: 3.237
Ý. Nhiễm: 31.506; tử vong: 2.503
Iran. Nhiễm: 16.169; tử vong:  988
Tây Ban Nha. Nhiễm: 11.826; tử vong: 533
Đức. Nhiễm: 9.367; tử vong: 26
Hàn Quốc. Nhiễm: 8.413; tử vong: 84
Pháp. Nhiễm: 7.730; tử vong: 175
Mỹ. Nhiễm: 6.524; tử vong: 116

Mạnh Hùng 

Chia sẻ bài viết