18/06/2019 - 20:56

Trung Đông trước nguy cơ leo thang xung đột 

Trung Đông đang đứng trước nguy cơ lâm vào vòng xoáy bất ổn mới khi Mỹ tiếp tục triển khai lực lượng đến khu vực, còn Iran dọa sẽ sớm phá vỡ giới hạn về hoạt động làm giàu uranium.

Hôm 17-6, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết ông đã phê chuẩn đề xuất bổ sung 1.000 quân tới Trung Đông nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trước “mối đe dọa” trên không, trên biển và mặt đất. Theo ông Shanahan, “các vụ tấn công gần đây của Iran” đã chứng minh tin tức tình báo đáng tin cậy mà Washington nhận được về “hành vi thù địch” của Cộng hòa Hồi giáo cùng các tổ chức do nước này hậu thuẫn, đe dọa lực lượng và lợi ích của Mỹ trên khắp Trung Đông.

Phi đội máy bay chiến đấu trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln hoạt động ở vùng biển A-rập. Ảnh: Reuters

Lặp lại quan điểm của Ngoại trưởng Mike Pompeo về việc Washington không tìm kiếm xung đột với Iran, ông Shanahan nói rõ việc điều quân chỉ nhằm đảm bảo an toàn cho quân đội và lợi ích của Mỹ trong khu vực. Theo một quan chức giấu tên, ngoài 1.000 quân thì hoạt động triển khai còn bao gồm lực lượng tình báo, giám sát và trinh sát trên không. Guardian cho biết hệ thống phòng thủ Patriot, phi đội máy bay chiến đấu và tàu chiến cũng có thể được huy động. Đây là đợt triển khai mới nhất sau xác nhận của Tổng thống Donald Trump hồi tháng rồi về việc đưa thêm 1.500 binh sĩ tới Trung Đông sau các tín hiệu cho thấy Iran có khả năng tấn công lực lượng Mỹ và các nước đồng minh. Lầu Năm Góc trước đó còn điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln, phi đội oanh tạc cơ B-52, tàu vận tải đổ bộ USS Arlington, tổ hợp phòng không Patriot đến vùng Vịnh.

Thông báo điều quân được Mỹ đưa ra sau khi Iran tuyên bố trong 10 ngày sẽ tăng mức làm giàu uranium cấp thấp lên gấp 4 lần so với cam kết trong Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) ký năm 2015. Thỏa thuận này quy định Iran chỉ được phép làm giàu uranium ở tỷ lệ 3,67%, tức thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và mức 20% mà Iran đã thực hiện trước ký kết khi JCPOA. Tuy Washington rút khỏi thỏa thuận vào năm ngoái, Iran và các nước khác vẫn tuân thủ điều khoản giới hạn Tehran sở hữu tối đa 300kg uranium làm giàu ở mức 3,67%. Nhưng tháng rồi, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sẽ giảm các cam kết và bắt đầu làm giàu uranium cấp độ cao hơn trong vòng 60 ngày nếu các bên liên quan “bất lực” trong việc bảo vệ nền kinh tế Iran khỏi trừng phạt của Mỹ. Sau hạn định, Iran sẽ tăng tốc độ làm giàu uranium hơn 3,67%.  Với lộ trình này, các chuyên gia dự tính Tehran trong tháng tới có thể sản xuất đủ nhiên liệu hạt nhân để chế tạo bom trong chưa đầy một năm.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang ngày một tăng cao sau hơn một năm Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các biện pháp chế tài. Theo Guardian, quyết định này làm xói mòn lòng tin giữa Mỹ với các đồng minh phương Tây khi nhiều nước châu Âu tin rằng cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump đã “ép” Iran vi phạm thỏa thuận vốn đang hoạt động hiệu quả. “Khủng hoảng niềm tin” được phơi bày qua những chuyển biến phức tạp gần đây ở Vùng Vịnh sau hàng loạt vụ tàu chở dầu bị tấn công mà Mỹ đổ lỗi Iran đứng sau, trong khi Tehran kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc. Theo đó, bất chấp “bằng chứng” Washington đưa ra về “sự phá hoại” của Iran, các đồng minh của Mỹ đang cho thấy họ muốn có những thông tin thuyết phục hơn để tin rằng Tehran đang châm ngòi xung đột khu vực.

Trong bối cảnh căng thẳng sục sôi, các nhà phân tích cảnh báo bất kỳ tính toán sai lầm của Mỹ hoặc Iran đều có thể dẫn từ đối đầu tới chiến tranh.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết