09/01/2018 - 14:11

Trung Đông thời năng lượng tái tạo giá rẻ 

Các quốc gia Trung Đông, những nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ nhiều nhất thế giới, đang bắt đầu đẩy mạnh sản xuất năng lượng tái tạo nhằm đa dạng hóa cơ cấu năng lượng của mình.

Một trang trại năng lượng gió ở Saudi Arabia. Ảnh: AP

Một trang trại năng lượng gió ở Saudi Arabia. Ảnh: AP

Cụ thể, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Oman đặt ra một số mục tiêu đầy tham vọng nhằm thúc đẩy việc xây dựng các cơ sở sản xuất năng lượng sạch. Theo tờ The National, trong bối cảnh giá thành sản xuất năng lượng gió và năng lượng Mặt trời (NLMT) giảm mạnh, Trung Đông dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong năm nay. Tổ chức Tài chính Năng lượng mới Bloomberg (BNEF) trong một báo cáo hồi tháng 6-2017 cho biết, giá quang điện hiện chưa đầy 1/4 so với năm 2009 và được cho sẽ giảm thêm 66% nữa vào năm 2040. Trong khi đó, giá năng lượng gió ngoài khơi sẽ giảm 71%, còn  năng lượng gió trên bờ giảm 47% vào thời điểm đó.

Trước tình hình trên, Saudi Arabia đã giới thiệu Chương trình Năng lượng Tái tạo Quốc gia nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của nước này và hướng tới mục tiêu tạo ra 3,45 GW năng lượng tái tạo vào năm 2020, chiếm khoảng 4% tổng công suất phát điện cả nước. Đến năm 2030, mục tiêu của Saudi Arabia là sản xuất 9,5 GW năng lượng tái tạo, chiếm 10% tổng công suất. Được biết, chương trình này được đưa ra nhằm trực tiếp hỗ trợ chiến lược hiện đại hóa xã hội và thúc đẩy kinh tế của Saudi Arabia gọi là Tầm nhìn 2030. Bộ trưởng Năng lượng Khalid al-Falih hồi tháng rồi cho biết, Riyadh cũng dự kiến sẽ khởi công xây dựng dự án hạt nhân dân dụng đầu tiên vào năm 2018 và sẽ sớm tiến hành thảo luận với Mỹ xung quanh việc hợp tác của các công ty năng lượng hạt nhân xứ cờ hoa trong dự án này.

Trong khi đó, UAE có kế hoạch đầu tư 163 tỉ USD vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nước này hy vọng đến năm 2050, năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng 44% nhu cầu năng lượng cả nước, trong khi khí đốt chiếm 38%, nhiên liệu hóa thạch sạch 12% và năng lượng hạt nhân 6%. Trong nỗ lực đó, Cơ quan quản lý điện và nước Dubai (DEWA) hồi tháng 9 năm ngoái đã trao giai đoạn 4 xây dựng công viên NLMT Mohammed Bin Rashid Al-Maktoum, dự án NLMT lớn nhất thế giới, cho một liên doanh nhà thầu.

Còn trong Chiến lược Năng lượng Quốc gia của Oman, nước này hy vọng đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu là NLMT và năng lượng gió trên bờ, sẽ chiếm 10% nhu cầu năng lượng cả nước.

Ai Cập xây trang trại gió lớn nhất ở Trung Đông

Trong nỗ lực tăng cường nguồn năng lượng tái tạo ở Ai Cập và đưa nước này trở thành quốc gia đi đầu trong công tác phát triển môi trường, Bộ Điện lực và Năng lượng tái tạo Ai Cập đã khởi xướng dự án xây dựng trang trại gió lớn nhất ở Trung Đông, nằm trong vịnh Suez, với sự chung tay của một số tổ chức quốc tế. Theo tờ Egypt Independent, Mohamed al-Khayat, Tổng Giám đốc Ủy ban Năng lượng tái tạo Ai Cập, đã ký những thỏa thuận đầu tiên nhằm xây trang trại gió này thông qua các khoản vay từ Liên minh châu Âu, Ngân hàng Phát triển Đức và Cơ quan Phát triển Pháp, với số tiền lần lượt là 115 triệu, 72 triệu và 50 triệu euro.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết