26/09/2016 - 21:02

Trợ lực cho các hợp tác xã nâng cao năng lực hoạt động

Mô hình hợp tác xã (HTX) đã và đang phát huy được vai trò liên kết nông dân sản xuất nhỏ lẻ, nhất là việc chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, góp phần nâng chất hoạt động cho các HTX. Song để nâng cao sức cạnh tranh thị trường trong bối cảnh hội nhập, ngoài sự năng động, tìm hướng đi phù hợp gắn sản xuất với tiêu thụ, các HTX rất cần sự trợ lực của ngành chức năng trong đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, gia tăng chuỗi giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân và hiệu quả kinh tế tập thể.

* Hiệu quả bước đầu

Theo ông Nguyễn Quốc Hải, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, 9 tháng đầu năm 2016, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ hợp tác, HTX trên địa bàn thành phố khá tốt. Hiện tại, toàn thành phố có 223 HTX và 1.349 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng, thương mại dịch vụ và quỹ tín dụng. Phần lớn các HTX trên địa bàn thành phố phát huy tốt vai trò liên kết hộ sản xuất nhỏ lẻ, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ sản phẩm,... Trong đó, có nhiều HTX chuyên sản xuất lúa giống, nuôi cá tra xuất khẩu đạt doanh thu và lợi nhuận cao, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên tham gia vào các HTX. Kết quả, năm 2015 tổng doanh thu của các HTX trên địa bàn thành phố đạt khoảng 2.200 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Quốc Hải, hiện toàn thành phố có khoảng 72% HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đã góp phần nâng chất hoạt động và đời sống nông dân tại các HTX. Hiện thành phố có nhiều điển hình, như: HTX Khiết Tâm, HTX thủy sản Thắng Lợi, HTX giống nông nghiệp Thốt Nốt… đã và đang làm ăn hiệu quả, góp phần tạo niềm tin cho nông dân mạnh dạn đổi mới, liên kết hợp tác sản xuất để tăng sức cạnh tranh thị trường. Từ đó, Luật HTX năm 2012 ra đời đã tạo ra động lực giúp các HTX đổi mới theo hướng năng động hơn, góp phần nâng cao năng lực quản lý của cán bộ tại nhiều HTX, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân.

Nông dân HTX Thới Tân tham gia đánh giá giống lúa mới tại xã Thới Tân, huyện Thới Lai.

Theo ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc HTX giống nông nghiệp Thốt Nốt, cho biết: thời gian qua, HTX giống nông nghiệp Thốt Nốt hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và có những bước tiến triển khá tốt. Ban Giám đốc HTX thường tổ chức họp các thành viên và nông dân cùng trao đổi kinh nghiệm, bố trí lịch sản xuất, phân loại giống lúa… Trong quá trình sản xuất, HTX còn làm tốt công tác quản lý, hướng dẫn nông dân canh tác theo đúng quy trình, đảm bảo chất lượng hạt giống được làm ra. Đồng thời HTX còn thực hiện báo cáo tài chính mỗi quý để các thành viên nắm được tình hình hoạt động kinh doanh. Trên có sở đó, HTX phân chia lợi nhuận dựa trên tổng vốn điều lệ, đơn vị canh tác của từng hộ và xã viên, tính bình quân lợi nhuận xã viên đạt khoảng 50%. Hiện tại, HTX có 3 lò sấy với công suất sấy 90 tấn/ngày, kho dự trữ giống có sức chứa trên 1.200 tấn… Song, để nâng cao năng lực sản xuất, HTX đã và đang tập trung làm giàn khoan, lắp máy sàn, ứng dụng máy cấy… nâng cao chất lượng và giá trị hạt giống, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. TP Cần Thơ còn có nhiều HTX làm ăn có hiệu quả, như: HTX nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi có tổng doanh thu đạt 136 tỉ đồng/năm, HTX Kim Hưng có doanh số xuất khẩu đạt khoảng 60 tỉ đồng/năm,…

* Nâng cao năng lực

Dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng hoạt động của nhiều HTX trên địa bàn TP Cần Thơ, nhất là các HTX chuyên trồng cây ăn trái, sản xuất rau củ, quả "sạch" khó tìm thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả bấp bênh, hàng hóa thiếu sự đa dạng để cung ứng theo nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, năng lực quản lý của cán bộ tại nhiều HTX còn hạn chế, chưa xây dựng được phương án kinh doanh, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Điểm nghẽn của các HTX nông nghiệp là vốn ít, cơ sở vật chất không đáp ứng điều kiện sản xuất. Ngoài ra, năng lực quản lý, xây dựng phương án kinh doanh của nhiều HTX còn hạn chế, tài sản không đủ để có thể thế chấp nên khó tiếp cận được nguồn vốn từ tổ chức tín dụng để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Ông Tô Thành Mông, Giám đốc HTX Thới Tân, cho biết: HTX Thới Tân được thành lập năm 2012, có 52 thành viên, có trên 82ha đất chuyên trồng lúa. Dù Ban quản lý và các thành viên HTX luôn nỗ lực chia sẻ, học hỏi, kinh nghiệm sản xuất, lựa chọn giống lúa canh tác phù hợp với điều kiện tự nhiên để đạt năng suất và chất lượng cao. Song, vốn điều lệ của HTX chỉ khoảng 200 triệu đồng nên không đủ năng lực để cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra cho nông dân. Mặt khác, HTX chỉ có 1 lò sấy công suất sấy 12 tấn/ngày… Hiện tại, HTX chưa mở rộng liên kết giữa các HTX trên địa bàn, chưa ký kết được các hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. Vì thế khó tổ chức cho các xã viên mở rộng liên kết phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, quy mô hàng hóa lớn… Từ những yếu tố trên, HTX chưa tiếp cận được các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng nên hiệu quả hoạt động kinh doanh, dịch vụ của HTX còn thấp.

Theo ông Nguyễn Quốc Hải, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, để hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực hoạt động, các ngành chức năng cần có những chương trình, chính sách phù hợp cho HTX, tổ hợp tác củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác,... đòi hỏi các HTX phải năng động, tạo sự đột phá từ việc liên kết sản xuất để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh đối với các mặt hàng chủ lực, như: lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái,… Điều quan trọng hơn, các HTX cần tự chủ, năng động đề ra phương án kinh doanh có trọng tâm liên kết các hộ sản xuất và các HTX để tạo ra nguồn hàng đảm bảo chất lượng và số lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thời gian tới, Liên minh HTX TP Cần Thơ tập trung triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức kinh tế tập thể cho các HTX tại các xã, phường. Đẩy mạnh tuyên truyền Luật HTX năm 2012 và thúc đẩy phát triển các mô hình HTX kiểu mới. Phối hợp cùng các sở, ngành hữu quan thực hiện xây dựng thương hiệu cho HTX, xúc tiến thương mại để gia tăng giá trị cho các sản phẩm chủ lực của các HTX cũng như của thành phố… Ngoài ra, Liên minh HTX thành phố còn phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ HTX liên kết với doanh nghiệp thực hiện hợp đồng hỗ trợ đầu tư và bao tiêu sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực lúa, gạo và thủy sản cho các HTX nông nghiệp. Phối hợp với Sở Công thương thành phố triển khai chương trình kết nối sản xuất và tiêu thụ hàng hóa giữa Cần Thơ với các tỉnh, thành khác…

Tại buổi làm việc về tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm 2016 của Liên minh HTX thành phố, đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhấn mạnh: Kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. Vì vậy, Liên minh HTX thành phố cần phát huy vai trò trong tuyên truyền, nâng chất hoạt động cho các tổ hợp tác; hỗ trợ các HTX cũng cố hoạt động và phát triển bền vững, tạo thu nhập ổn định để thu hút nông dân tham gia vào kinh tế hợp tác. Đồng thời, chủ động phối hợp cùng các sở, ngành hữu quan và các địa phương tổ chức chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho cán bộ quản lý HTX. Song song đó, triển khai công tác hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ… Từ đó, giúp các HTX nâng cao năng lực, hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, góp phần gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố.

Bài, ảnh: Mỹ Hoa

Chia sẻ bài viết