09/07/2024 - 07:29

Trợ giúp pháp lý cho người có công 

Chăm lo người có công (NCC) với cách mạng là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL), NCC với cách mạng là một trong những đối tượng được ưu tiên trong hoạt động TGPL, góp phần kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng.

Trợ giúp viên pháp lý tư vấn pháp luật cho gia đình NCC tại xã Trường Long, huyện Phong Ðiền.

Luật TGPL hiện hành quy định NCC với cách mạng là một trong các đối tượng được TGPL. Bên cạnh đó, Luật TGPL bổ sung đối tượng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và NCC nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, có khó khăn về tài chính và người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính thuộc diện người được TGPL.

Theo Thông tư 03/2021/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15-11-2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL; Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28-8-2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL quy định, NCC với cách mạng cần phải nộp một trong những giấy tờ sau đây để chứng minh mình thuộc diện được TGPL:

+ Quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận là NCC với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng;

+ Quyết định phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

+ Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến, Bằng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Bằng Anh hùng, Bằng Có công với nước;

+ Quyết định trợ cấp, phụ cấp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định là NCC với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi NCC với cách mạng;

+ Quyết định hoặc giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

+ Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công đối với NCC giúp đỡ cách mạng, giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945, giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng.

Trường hợp người thuộc diện được TGPL nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện TGPL, cần nộp các giấy tờ, tài liệu: đơn yêu cầu; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc TGPL; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được TGPL. Trường hợp người yêu cầu TGPL không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn. Người yêu cầu TGPL có thể nộp đơn, gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử...

Người được TGPL có các quyền: được TGPL mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác; tự mình hoặc thông qua người thân, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu TGPL; được thông tin về quyền được TGPL, trình tự, thủ tục TGPL khi đến tổ chức thực hiện TGPL và các cơ quan nhà nước có liên quan; yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc TGPL; lựa chọn một tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện TGPL; thay đổi, rút yêu cầu TGPL; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tố cáo về TGPL theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối tượng thuộc diện được TGPL miễn phí có thể đến trực tiếp Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ để được tư vấn, hỗ trợ tại địa chỉ: số 1A đường Trần Khánh Dư, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ; điện thoại: 0292.3825.926.

Bài, ảnh: Hoàng Yến

 

Chia sẻ bài viết