24/03/2023 - 22:19

Triều Tiên phô diễn năng lực hạt nhân 

MAI QUYÊN (Theo CNN, Reuters)

Giữa lúc Mỹ tìm kiếm sự can thiệp nhiều hơn từ những quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) đối với tình hình bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng cho biết đã tiến hành thử nghiệm vũ khí có thể sử dụng trong một cuộc tấn công hạt nhân chống lại Washington và đồng minh.

Tên lửa hành trình chiến lược Hwasal của Triều Tiên trong cuộc tập trận ngày 22-3. Ảnh: AP

Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát các vụ thử tiến hành từ ngày 21 đến 23-3. Ðáng chú ý là kiểm tra độ tin cậy và chính xác, tầm hoạt động cùng nhiều khía cạnh khác của thiết bị không người lái dưới nước “Haeil”.

Vũ khí này được phát triển từ năm 2012 và trải qua hơn 50 cuộc thử nghiệm trong 2 năm qua. Ở đợt kiểm tra mới nhất, “Haeil” được triển khai ngoài khơi bờ biển phía Ðông Triều Tiên, hoạt động ở độ sâu từ 80 tới 150m trong hơn 59 giờ trước khi đầu đạn thử nghiệm được kích nổ. “Nhiệm vụ của vũ khí hạt nhân chiến lược dưới nước là tìm cách xâm nhập vùng biển mục tiêu, sau đó thông qua vụ nổ dưới nước tạo ra cơn sóng thần phóng xạ quy mô siêu lớn nhằm tiêu diệt các lực lượng hải quân và cảng chính của kẻ thù” - KCNA cho biết.

Theo báo cáo, Triều Tiên còn phóng thử các tên lửa hành trình chiến lược trang bị đầu đạn mô phỏng đầu đạn hạt nhân. Bốn trong số các tên lửa cận âm đã bắn trúng mục tiêu trên Biển Nhật Bản, sau khi bay theo hình bầu dục và hình số 8 ở cự ly 1.500 và 1.800km.

Giới chuyên môn hoài nghi

Theo KCNA, đợt thử nghiệm vừa rồi được tiến hành để các đơn vị tên lửa hành trình chiến lược làm quen thủ tục và quy trình thực hiện nhiệm vụ tấn công hạt nhân. Sự kiện cũng xác minh đầy đủ “độ tin cậy, tính an toàn và khả năng sát thương” của tàu tấn công hạt nhân dưới nước không người lái Haeil. Báo cáo cho biết thiết bị có thể triển khai từ bất kỳ cảng nào hoặc được tàu nổi rê dắt đến khu vực chỉ định.

Ðây là lần đầu tiên Triều Tiên đề cập việc triển khai thiết bị không người lái dưới nước như vậy. Triều Tiên được biết tới là một trong những quốc gia có hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới, đặc biệt đội ngũ tàu ngầm mini. Nhưng hầu hết đều có công nghệ lạc hậu, năng lực tác chiến giới hạn ở ven bờ và tương đối dễ bị phát hiện. Do đó, trước thông báo về Haeil, giới chuyên môn hoài nghi Bình Nhưỡng đang sở hữu thiết bị trang bị năng lực hạt nhân tiên tiến như vậy.

Ý tưởng tàu lặn không người lái mang đầu đạn hạt nhân không phải chỉ có ở Triều Tiên. Trước đây, Nga tuyên bố đã phát triển “siêu ngư lôi” Poseidon, thiết bị không người lái phóng từ tàu ngầm có khả năng mang vũ khí thông thường và hạt nhân. Nhờ hệ thống đẩy hạt nhân, Poseidon được cho có tầm hoạt động gần như vô hạn. Tuy nhiên, Nga không đưa ra bằng chứng về việc thử nghiệm thành công Poseidon và các nhà phân tích nghi ngờ vũ khí này phải mất nhiều năm mới được triển khai. Nếu so sánh, vũ khí dưới nước mới của Triều Tiên được cung cấp năng lượng thông thường và không phóng từ tàu ngầm, đồng nghĩa không có sức công phá ngang tầm ngư lôi của Nga.

Thông điệp cho Mỹ và đồng minh

Báo cáo của Triều Tiên về thử nghiệm tên lửa hành trình chiến lược và thiết bị không người lái dưới nước được đưa ra cùng thời điểm Mỹ - Hàn Quốc hoàn tất cuộc tập trận “Lá chắn tự do 23”. Dự kiến tháng 6 tới, liên minh tiếp tục tiến hành tập trận bắn đạn thật lớn nhất từ ​​trước đến nay, kéo theo quan ngại về hành động khiêu khích hơn nữa từ Triều Tiên.

Trước đó, Chủ tịch Kim chỉ trích gay gắt “đế quốc Mỹ liều lĩnh tiến hành các động thái quân sự gây nguy hiểm cho khu vực dựa trên cam kết bảo vệ đồng minh”. Qua đây, ông Kim nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì và liên tục phát triển năng lực phòng thủ hạt nhân trước mối đe dọa từ Mỹ - Hàn. Dựa trên tuyên bố này, các nhà phân tích cho rằng thông qua các vụ thử nghiệm mới nhất, Triều Tiên đang gửi thông điệp tới Washington và đồng minh cật ruột ở châu Á về khả năng đáng tin cậy, cũng như việc họ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật bất cứ lúc nào.

Ðộng thái này cũng nhằm đáp trả lời kêu gọi của Mỹ yêu cầu những thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an LHQ gây áp lực buộc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa. Ðược biết, Ðại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield đầu tuần này đã đề nghị các nước hỗ trợ tiến trình đưa Triều Tiên tiến tới phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”. Trong một cảnh báo gay gắt, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 23-3 tuyên bố bất kỳ nỗ lực nào nhằm buộc nước này phi hạt nhân hóa sẽ bị coi như hành động chiến tranh.

Chia sẻ bài viết