25/04/2019 - 07:33

Triều Tiên cần gì ở Nga? 

Khi gặp thượng đỉnh Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên vào hôm nay 25-4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho sẽ đưa ra danh sách dài những nguyện vọng và mong muốn sau khi vòng đàm phán thứ hai với Mỹ hồi tháng 2 không có thỏa thuận nào.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Putin. Ảnh: AP

Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước trong 8 năm qua, sau lần gặp gần nhất hồi năm 2011 giữa cố lãnh đạo Kim Jong-il và Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev. Riêng ông Putin đã thăm Bình Nhưỡng năm 2000 và sau đó cũng có dịp hội đàm với ông Kim Jong-il tại thủ đô Mát-xcơ-va và Vladivostok-thành phố miền Viễn Đông của Nga. Mát-xcơ-va từng đóng vai trò chính trong việc đưa ông Kim Il-sung (Kim Nhật Thành, ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un) lên nắm quyền và giúp tái thiết đất nước sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Lần này, hành trang theo ông Kim Jong-un đến hội nghị ở Vladivostok có hai nỗi lo cấp bách. Hiện vẫn còn hơn 10.000 lao động Triều Tiên có phép tại Nga, nhưng họ sẽ bị trục xuất vào cuối năm nay do hết thời hạn cho phép cư trú trong khi nghị quyết về biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc cũng bắt đầu có hiệu lực. Vấn đề của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là tìm cách duy trì lực lượng lao động này ở xứ bạch dương bởi họ mang về cho Bình Nhưỡng hàng trăm triệu đô-la mỗi năm. Mỹ tin rằng quốc gia Đông Bắc Á thu về hơn 500 triệu USD/năm từ gần 100.000 lao động ở nước ngoài, trong đó có Nga. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng tính đến khả năng thiếu hụt lương thực vào mùa hè này. Phía Nga cho thấy họ sẵn lòng viện trợ nhân đạo cho quốc gia láng giềng (có thể lên đến 50.000 tấn lúa mì) và mới tháng rồi Mát-xcơ-va cũng đã chuyển hơn 2.000 tấn nông sản này đến Triều Tiên thông qua Chương trình Lương thực Thế giới.

Theo giới phân tích, trong khi ông Kim nhiều khả năng sẽ tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ Nga, bao gồm hỗ trợ kinh tế và đơn phương nới lỏng các lệnh cấm vận, thì Mát- xcơ-va lại bị hạn chế ở khả năng cung cấp và cuộc thượng đỉnh sẽ tập trung nhiều vào việc thể hiện tình hữu nghị hơn là đầu tư hoặc viện trợ mới. “Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có quyền phủ quyết, Nga có thể sẽ không đánh đổi quyền lực chỉ vì quan hệ hữu nghị với ông Kim”- Giáo sư Artyom Lukin tại Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông nói về kịch bản Mát-xcơ-va công khai vi phạm lệnh trừng phạt để “cứu” đồng minh. Thay vào đó, ông Putin chỉ có thể cam kết không ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới.

 Theo tài liệu nội bộ được công bố trong tuần này, ông Kim muốn tăng kim ngạch thương mại Triều - Nga gấp 10 lần, lên 1 tỉ USD vào năm 2020. Thế nhưng điều này đòi hỏi một số biện pháp nới lỏng cấm vận đáng kể đối với Triều Tiên, kịch bản được cho khó xảy ra. Không giống Trung Quốc, Nga đầu tư rất ít vào Triều Tiên. Mặc dù các quan chức Nga lâu nay bàn về chuyện phát triển tuyến đường sắt đến châu Âu hoặc xây các đường ống dẫn dầu trên bán đảo Triều Tiên, song ông Putin thực sự không mấy mặn mà với các dự án lớn như vậy.

Trước cuộc gặp Tổng thống Putin, ông Kim đã tham dự 4 hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 3 với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hội nghị được xúc tiến liên tục nhằm khẳng định nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên là nhân tố quan trọng trên trường quốc tế. Có điều là cuộc gặp lần thứ hai của lãnh đạo Kim với chủ nhân Nhà Trắng ở Hà Nội không đạt được thỏa thuận về các biện pháp phi hạt nhân hóa hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt bởi hai bên đều quyết giữ quan điểm cứng rắn trong đàm phán. Và quyết định gặp Tổng thống Putin có thể là thông điệp của ông Kim gởi đến Mỹ. Nếu ông Putin chọn giải pháp mang tính thực tiễn hơn đối với Triều Tiên, thì nỗ lực của Washington nhằm hướng ông Kim Jong-un tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa có thể sẽ phức tạp hơn nhiều.

Khoảng 18h (giờ địa phương, tức 15h giờ Hà Nội) ngày 24-4, đoàn xe lửa bọc thép chở nhà lãnh đạo Triều Tiên  đã tới Vladivostok sau hành trình kéo dài khoảng 20 giờ xuất phát từ Bình Nhưỡng. Trước đó,  tại điểm dừng chân ở ga biên giới Khasan thuộc vùng Primorye của Nga, ông Kim đã bày tỏ vui mừng khi đặt chân tới đất Nga và cho biết đây không phải là chuyến thăm cuối cùng của ông tới Nga.

THANH BÌNH (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Triều TiênNga