13/05/2021 - 00:34

Triển vọng xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc 

Hiện nay, nhiều loại nông sản của Việt Nam được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với nhiều triển vọng. Tuy nhiên, cần phải nắm bắt nhu cầu thị trường và kịp thời chuyển đổi xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các quy định và yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc.

Mít là loại trái cây đang được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Mít là loại trái cây đang được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Tiềm năng

Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN và đứng thứ 11 trong số các thị trường nhập khẩu của Trung Quốc. Những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

Với quy mô dân số gần 1,5 tỉ người, chiếm 18,7% dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ tiêu dùng nội địa và chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú. Nhập khẩu nông sản của Trung Quốc bình quân hằng năm đạt trên 150 tỉ USD, chiếm khoảng trên 11,5% tổng kim ngạch thương mại nông thủy sản toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân gần 9,3%/năm. Ðây là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về nông thủy sản, trong đó họ có nhu cầu nhập khẩu nhiều sản phẩm nông thủy sản mà nước ta có thế mạnh như: lúa gạo, cá tra, tôm nước lợ, các loại rau quả, trái cây...

Cùng với sự đa dạng của các loại nông thủy sản và lợi thế về địa lý, Việt Nam còn có nhiều điều kiện thuận lợi khác để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Ðáng chú ý, nước ta ngày có nhiều chủng loại mặt hàng nông thủy sản được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ðồng thời, nhờ việc mở cửa thị trường và tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc mà mức thuế quan đã giảm về 0% đối với nhiều dòng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, cơ cấu hàng nông sản trao đổi song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc có tính bổ sung lẫn nhau. Do vậy, các sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam được dự báo còn nhiều tiềm năng và dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm nghiên cứu, nắm rõ về thị trường này để kịp thời tháo gỡ khó khăn, có chiến lược và giải pháp phát triển xuất khẩu phù hợp, nhất là khi Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như trước đây. Hiện Trung Quốc đã thực hiện chế độ nhập khẩu với nhiều quy định khắt khe và kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt hơn trước, trong đó có việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Cần giải pháp đồng bộ

Ðể giữ vững và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản của ta sang Trung Quốc thì công tác quản lý sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc... là vấn đề cần được các cấp, các ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người sản xuất nông thủy sản đặc biệt coi trọng, quan tâm thực hiện theo quy định của Việt Nam và phù hợp với quy định nhập khẩu của Trung Quốc. Ngành chức năng cũng cần tăng cường công tác thông tin, nắm bắt nhu cầu của thị trường Trung Quốc, kịp thời đẩy mạnh chuyển đổi xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, tăng xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản đã qua chế biến, giảm dần việc xuất khẩu sản phẩm dạng “tươi thô” nhằm giảm rủi ro và nâng cao được giá trị sản phẩm.

Theo TS Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, thị trường Trung Quốc là một thị trường rất lớn nhưng chúng ta chưa hiểu rõ người tiêu dùng trong nội tại thị trường này, cũng như còn thiếu thông tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản tại nước họ nên còn gặp khó trong mở rộng thị trường và nâng cao giá trị hàng xuất khẩu, cũng như phát triển xuất khẩu chính ngạch. Ông Hải dẫn chứng, chúng ta xuất khẩu mít đi Trung Quốc rất nhiều nhưng mít họ không phải nhập về ăn tươi mà phần lớn mít được sơ chế và chế biến thành bột mít. Khoai lang tím nhập từ nước ta, họ cũng chế biến thành bột, làm bánh và xuất khẩu đi các nước để làm màu trong thực phẩm thay cho phẩm màu công nghiệp. Về gạo, Trung Quốc nhập nhiều gạo ngắn ngày của nước ta nhưng khi qua Trung Quốc mới biết nhiều người tiêu dùng nước họ không ăn gạo ngắn ngày mà ăn gạo dài ngày.

Ông Ðào Việt Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, cho rằng để góp phần tháo gỡ khó khăn, tiến tới khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường Trung Quốc, nước ta cần quan tâm hơn nữa công tác tập huấn, phổ biến thông tin về chính sách, quy định nhập khẩu nông thủy sản của Trung Quốc cho các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhằm chủ động tổ chức sản xuất và có kế hoạch kinh doanh, xuất khẩu đáp ứng đúng yêu cầu thị trường. Ðồng thời, thông qua mọi kênh, mọi cấp, tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện quyết liệt, đồng bộ công tác đàm phán mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật với các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc nhằm mở rộng danh mục sản phẩm nông thủy sản, cũng như bổ sung danh sách doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu, trong đó ưu tiên lựa chọn các sản phẩm giá trị gia tăng cao. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại thị trường Trung Quốc để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Nghiên cứu, hợp tác với một số doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại điện tử để nhập khẩu, tiêu thụ nông sản, trái cây qua hình thức thương mại điện tử tại thị trường này...

Theo phân tích, đánh giá của ngành chức năng, công tác đẩy mạnh xuất khẩu, mở cửa thị trường và mở rộng việc tiêu thụ nhiều loại nông sản tại thị trường Trung Quốc vẫn còn gặp không ít khó khăn. Hình thức phân phối các sản phẩm nông thủy sản của nước ta tại Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử để có thể thâm nhập sâu hơn, có độ “phủ sóng” cao hơn trong thị trường tiêu dùng nội địa của Trung Quốc. Các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi của nước ta rất phong phú và đa dạng nhưng số lượng sản phẩm được Trung Quốc chấp nhận mở cửa thị trường, cho phép nhập khẩu chính thức vẫn còn ít nên chưa phát huy được hết các lợi thế về nguồn cung. Đơn cử, Trung Quốc mới chỉ cho phép 9 loại trái cây của nước ta được nhập khẩu chính ngạch, trong khi Thái Lan đã có 22 loại trái cây được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, điều này làm giảm lợi thế của ta so với nước có nguồn cung trái cây tương tự...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết