25/09/2012 - 21:06

Triển vọng phục hồi cơ bắp bị mất nhờ khung mô từ động vật

Sau khi trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, Sergeant Strang, một lính thủy đánh bộ bị thương trong một vụ nổ mìn ở chiến trường Afghanistan, đã có thể đi nhưng khá là khó khăn do chân bị mất nhiều phần cơ. Tuy nhiên, đó là chuyện của 2 năm trước. Hiện Strang có thể đi lại dễ dàng hơn, thậm chí chạy trên máy chạy bộ, nhờ được cấy một "khung mô" lấy từ một con heo gọi là lớp chất nền ngoại bào (ECM). Đây là thành tựu của công nghệ tái tạo mô mà các nhà khoa học ở Đại học Pittsburgh (Mỹ) đang nghiên cứu.

ECM là phần vật liệu nền tự nhiên nâng đỡ tất cả các mô và cơ quan trong cơ thể, ở người và động vật. Nó được cấu tạo bởi các tế bào và các nhà khoa học từ lâu tin rằng vai trò chính của loại vật liệu này là giữ cho các mô và nội tạng ở đúng vị trí của chúng. Khoảng 10 năm trở lại đây, ECM lấy từ heo, cừu và nhiều động vật khác từng được sử dụng như vật liệu hỗ trợ nhằm giúp phục hồi các chấn thương ở cổ tay, chứng sa ruột và nhiều tổn thương khác. Giờ đây, các chuyên gia còn phát hiện ECM cũng có thể được dùng như một chiếc khuôn để phát triển hoặc "sửa chữa" những bộ phận bị hư tổn. Nhờ phát hiện mới này, các nhà khoa học đang tìm cách sử dụng khung mô lấy từ heo và những động vật khác để tái phục hồi các mô bị mất ở người.

Mô phỏng qui trình tái tạo phần cơ bị tổn thương bằng khung mô lấy từ bàng quang của heo. Ảnh: Lost Without Science

Qui trình chế tạo khung mô bắt đầu bằng việc lấy một lớp mô mỏng từ bàng quang của heo và xử lý chúng bằng hóa chất để loại bỏ các tế bào sống. Kết quả thu được là một khung gồm collagen và prôtêin gọi là ECM, trông giống như một miếng giấy giả da. Loại vật liệu sinh học này đã được chứng minh trong phòng thí nghiệm là cho kết quả tốt trong việc liên kết với cơ đùi khỏe mạnh.

Đối với trường hợp của Strang – một trong những người đầu tiên tình nguyện tham gia cuộc thử nghiệm phục hồi cơ bị mất cho 80 bệnh nhân, Tiến sĩ Peter Rubin đã cho cắt bỏ phần mô sẹo ở chân của anh và ghép lớp giấy giả da ECM có kích thước tương đồng vào vết thương. Cơ thể của Strang ngay lập tức phân rã loại vật liệu này. Các kết quả ban đầu cho thấy khung mô từ động vật đã thúc đẩy phần cơ chỗ vết thương, của Strang và một số bệnh nhân khác, phát triển. "Chúng ta đang nhìn thấy bằng chứng về sự phục hồi của các mô" – Rubin, trưởng nhóm nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học Pittsburg, phấn khởi nói.

Tiến sĩ Stephen Badylak, Phó giám đốc Viện Y học tái tạo McGowan (Mỹ), người tiên phong trong việc phát hiện thuộc tính của ECM và sử dụng nó trong các nghiên cứu y sinh học, cho biết việc tách bỏ các tế bào như trên giúp loại trừ khả năng lớp vật liệu mới có nguồn gốc từ động vật này sẽ bị thải hồi ngay lập tức bởi cơ thể người khi nó được ghép vào. Hơn nữa, khung mô mới tạo ra phản ứng miễn dịch ít phức tạp và điều này là cần thiết để nó tồn tại được trong cơ thể và liên kết được với các mô khỏe mạnh còn lại. Điều cần lưu ý là phải loại bỏ các mô bị sẹo trước khi ghép khung mô vào vết thương. "Nếu bị đặt ở giữa sẹo, ECM không thể phát huy tác dụng vì nó không tiếp cận được với dòng máu và các nguồn tế bào (từ vật chủ)", Tiến sĩ Badylak giải thích.

Tuy kỹ thuật này vẫn còn trong giai đoạn phát triển, nhưng nó hứa hẹn sẽ mang đến cho hàng nghìn thương binh bị mất cơ ở tay và chân cơ hội phục hồi thay cho biện pháp đoạn chi vốn được xem là giải pháp an toàn nhất từ trước đến nay. Mặc dù vậy, các chuyên gia kỳ vọng quá trình này sẽ xảy ra bằng cách phân rã ECM thành các mẫu nhỏ hơn và kích thích cơ thể phát ra tín hiệu để thu hút các tế bào gốc đến đó "làm tổ" và phát triển thành các tế bào cơ khỏe mạnh – một qui trình được cho là tự nhiên hơn mà nhóm nghiên cứu đang nhắm tới.

THÁI THANH (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết