Ngày 22 tháng 10 năm 2020, Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì được công nhận là khu du lịch Quốc gia đã mở ra nhiều triển vọng mới trong quá trình xây dựng và phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Lễ dâng hương Giỗ Tổ Vua Hùng
Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng có phạm vi ranh giới gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Việt Trì và toàn bộ diện tích Khu Di tích lịch sử Đền Hùng với tổng diện tích 11.350,74ha.
Chứa đựng trong mình hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận (Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ) cùng với hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước, tại Quy hoạch du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, Khu du lịch Đền Hùng, thành phố Việt Trì là trung tâm du lịch trọng điểm có vai trò định hướng phát triển du lịch toàn tỉnh. Vì vậy, Khu du lịch Đền Hùng, thành phố Việt Trì được công nhận là Khu du lịch Quốc gia đã mở ra nhiều triển vọng mới cho sự phát triển của du lịch Phú Thọ:
Hát Xoan với du khách quốc tế.
Tạo môi trường thuận lợi thu hút các tổ chức, đơn vị các doanh nghiệp lớn đầu tư dự án phát triển du lịch. Trong những năm qua tỉnh Phú Thọ đã và đang huy động các nguồn lực đầu tư cho Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì cả về nhân lực, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ chế thu hút đầu tư.
Tập trung đầu tư hoàn thiện một số cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ du lịch quan trọng, đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch Quốc gia như: Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tu bổ, tôn tạo cảnh quan Khu Di tích lịch sử Đền Hùng với tổng nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng; Dự án Hồ Công viên Văn Lang giai đoạn 2016 - 2020 với tổng nguồn vốn hơn 300 tỷ đồng; Dự án hạ tầng các di tích Hát Xoan (đình Hùng Lô, đình An Thái, đình Thét, đình Kim Đới, miếu Lãi Lèn) với tổng nguồn vốn hơn 50 tỷ đồng...
Hình thành các tuyến phố ẩm thực phục vụ nhu cầu của người dân và du khách như: Phố ẩm thực Nguyễn Du, phố ẩm thực Tiên Dung. Các điểm du lịch văn hóa được hình thành và đưa vào phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế như: Hùng Lô, miếu Lãi Lèn. Hoàn thành một số công trình giao thông quan trọng tạo điều kiện kết nối giao thông thuận tiện với các khu, điểm du lịch của tỉnh, với các tỉnh, thành trong khu vực, góp phần thu hút du khách đến thành phố Việt Trì. Hàng năm Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì thu hút từ 6 - 8 triệu lượt khách du lịch từ khắp mọi miền đất nước đến tham quan và thực hành tín ngưỡng.
Công viên Văn Lang về đêm.
Thành phố Việt Trì có số lượng cơ sở lưu trú du lịch tập trung cao nhất trong toàn tỉnh với 134 khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có 19 khách sạn từ đạt tiêu chuẩn đến 5 sao; 18 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 15 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa và 03 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế; 02 tuyến phố ẩm thực; trên 10 nhà hàng từ 300 - 700 ghế trở lên, gần 40 nhà hàng từ 100 ghế trở lên, ngoài ra còn hàng trăm nhà hàng quy mô vừa và nhỏ; các cơ sở vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, thiết chế thể thao cũng được đầu tư khai thác đã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Để tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thông thuận lợi trong khu du lịch, ngành du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành trong tỉnh tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp tập trung thu hút nguồn lực đầu tư các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông: Hoàn thiện hạ tầng du lịch tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Công viên Văn Lang, khu vực Bạch Hạc - Bến Gót…
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hình thành các khu, điểm du lịch tại các khu vực: Bạch Hạc - Bến Gót, Hùng Lô; Kim Đức, Phượng Lâu, Trưng Vương, Dữu Lâu, Minh Nông… và đầu tư khai thác du lịch ven sông Lô, sông Hồng; phát triển dịch vụ du lịch về đêm tại trung tâm thành phố Việt Trì, khu vực Công viên Văn Lang, Quảng trường Hùng Vương (chợ đêm, tuyến phố đi bộ, ẩm thực đường phố, hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm…). Thu hút đầu tư các khách sạn, các khu resort nghỉ dưỡng từ 3 sao - 5 sao, các trung tâm vui chơi giải trí cao cấp, nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, trung tâm thương mại...
Cùng với đó, các Di sản văn hóa được phát huy để phục vụ khách du lịch trải nghiệm; góp phần quảng bá các giá trị văn hóa vùng Đất Tổ ra cả nước và quốc tế thông qua hoạt động du lịch.
Quyết định 817/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030 khẳng định: “Xây dựng và phát triển thành phố Việt Trì, bao gồm cả Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam theo hướng đồng bộ, bền vững cả về cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hội tụ các điều kiện tốt nhất thực hành di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và các di sản văn hóa vùng Đất Tổ đã được UNESCO ghi danh, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu văn hóa tín ngưỡng chính đáng của Nhân dân, củng cố tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận của toàn dân tộc Việt Nam”.
Với tiềm năng và lợi thế to lớn để tạo dựng và hình thành môi trường văn hoá mang đặc trưng Đất Tổ, tỉnh Phú Thọ đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để quy hoạch, hình thành và phát triển không gian lễ hội bảo đảm kết hợp hài hòa với không gian phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ngành du lịch đã thực hiện khai thác tốt nguồn tài nguyên du lịch văn hóa thời đại Hùng Vương tiêu biểu là Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng và giá trị hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức UNESCO công nhận gắn với các điểm du lịch văn hóa phụ cận cùng để xây dựng, khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch phong phú như: Du lịch văn hóa tâm linh, du lịch đường thủy, du lịch MICE tổ chức hội nghị, hội thảo, du lịch học đường, du lịch trải nghiệm hoạt động làng nghề thưởng thức Hát Xoan Phú Thọ...
Khai thác hiệu quả các tour du lịch phục vụ khách, như: “City tour Việt Trì”, “Tour du lịch hàng ngày Hà Nội - Phú Thọ”, “Hát Xoan Làng cổ” gắn với trải nghiệm làng nghề nông sản; hành trình về nguồn; chương trình du lịch quốc tế đường sông duy trì ổn định bình quân 1-2 đoàn khách/tháng với loại hình du lịch văn hóa - trải nghiệm làng nghề; “Khám phá di sản- trải nghiệm thiên nhiên Việt Trì - Xuân Sơn”...
Với mục tiêu xây dựng Khu du lịch Quốc gia trở thành trung tâm du lịch văn hóa lễ hội đặc sắc của vùng, trong thời gian tới việc đầu tư xây dựng và phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam theo Quyết định 817/QĐ-TTg là hết sức cần thiết.
Với những lễ hội đặc sắc được lưu truyền từ thời Hùng Vương dựng nước đến nay như: Lễ hội Đền Hùng, lễ hội tịch điền, lễ hội hát Xoan, lễ hội bơi chải Bạch Hạc, những di tích cổ hàng trăm năm tuổi thờ tự các tướng lĩnh thời Hùng Vương, giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống, những món ăn đặc sắc miền trung du… được kết nối để hình thành các tour du lịch với những sản phẩm du lịch đặc trưng độc đáo, sẽ tạo thành không gian văn hóa Hùng Vương riêng biệt phục vụ khách du lịch trải nghiệm. Bên cạnh đó sẽ xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch di sản văn hóa vùng Đất Tổ để quảng bá hình ảnh du lịch Phú Thọ đến với du khách trong nước và quốc tế.
Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng cũng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch dịch vụ.
Với vị thế là Khu du lịch Quốc gia, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách để Khu du lịch Quốc gia phát triển như:
Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên du lịch văn hóa vùng Đất Tổ cho: Công tác nghiên cứu các giá trị văn hóa tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo cho thành phố lễ hội; phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch tìm hiểu, khám phá văn hoá truyền thống vùng Đất Tổ…
Chính sách kích cầu và xúc tiến quảng bá du lịch cho Khu du lịch Quốc gia, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia quảng bá hình ảnh du lịch vùng Đất Tổ cội nguồn; cơ chế tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xúc tiến du lịch; chính sách phát triển marketing điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xúc tiến quảng bá du lịch…
Xây dựng chính sách thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật tại Khu du lịch Quốc gia, đầu tư hệ thống đường giao thông nối các khu, điểm du lịch trong khu, hệ thống đường ven sông tại khu vực Bạch Hạc - Bến Gót, cảng tàu du lịch đường sông; xây dựng cơ chế thu hút phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đẳng cấp quốc tế 4 - 5 sao…
Việc phát triển Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì trở thành khu du lịch trọng điểm của vùng Trung du miền núi phía Bắc, với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng Đất Tổ gắn với phát triển du lịch bền vững, sẽ góp phần tạo cho du lịch Phú Thọ có một thương hiệu mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đồng thời góp phần để xây dựng hình ảnh Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng trở thành một điểm đến du lịch di sản hấp dẫn của khách du lịch trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Theo Báo Phú Thọ