22/02/2020 - 23:44

Triển vọng mới trong điều trị khiếm khuyết van tim 

Do các van tim nhân tạo hiện nay có đường kính cố định, nên trẻ bị bệnh tim bẩm sinh buộc phải phẫu thuật nhiều lần để thay van tim có kích cỡ lớn hơn và phù hợp với cơ thể đang phát triển. Hiểu được điều này, các nhà khoa học tại Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ) đã phát triển van tim nhân tạo mới có khả năng mở rộng theo sự phát triển của cơ thể bệnh nhi, hứa hẹn sớm loại bỏ nhu cầu mổ hở nhiều lần gây đau đớn.

Ảnh chụp trên cừu chứng tỏ van tim mới đã mở rộng thêm khi con vật dần lớn lên.

Được biết, các van tim nhân tạo hiện tại có thiết kế gồm 3 lá nhỏ, hoạt động như những “cánh cửa một chiều” nhằm bảo đảm dòng máu lưu thông ra/vào trái tim đúng hướng. Van tim mới chỉ có 2 lá và khi bệnh nhi lớn lên, nó có thể được mở rộng bằng một ống thông bóng ngoại vi thông qua phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Thiết kế này cho phép bệnh nhi tiếp tục sử dụng van tim cho đến khi trưởng thành và nó cũng thích hợp cho người lớn bị khiếm khuyết van tim.

Kết quả thử nghiệm trên mô hình máy tính và trên động vật cho thấy van tim nhân tạo mới giúp lưu thông máu tốt và vẫn hiệu quả khi được mở rộng kích cỡ. Cụ thể, van tim ghép cho 7 con cừu non đã hoạt động an toàn và hiệu quả trên 10 tuần, mà không cần dùng thêm thuốc làm loãng máu - loại thuốc mà mọi bệnh nhân ghép van tim nhân tạo đều dùng để chống hình thành cục máu đông. 

Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ thử nghiệm lâm sàng van tim nhân tạo mới trên người trong 1-2 năm tới. Được biết, mỗi năm có hơn 330.000 em bé trên toàn thế giới chào đời với khuyết tật van tim bẩm sinh và hàng triệu người mắc bệnh thấp tim (rheumatic heart disease) cần thay van tim.

AN NHIÊN (Theo HealthDay News, Daily Mail)

Chia sẻ bài viết