25/01/2016 - 21:55

Triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 (gọi tắt NQ107) ngày 26-11-2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại (TPL).

Theo NQ107, TPL được thực hiện chính thức trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 1-1-2016. Việc thực hiện chế định TPL có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tạo tiền đề giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự… Mặt khác, chức năng lập vi bằng của TPL bổ sung nguồn chứng cứ, tạo thêm công cụ pháp lý để người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế…

Để triển khai thống nhất và hiệu quả NQ107, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết này nhằm xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành NQ107. Bên cạnh, xây dựng, vận hành cơ chế phối hợp hiệu quả, thông suốt giữa các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện chế định TPL trên phạm vi cả nước; tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong việc triển khai thực hiện chế định TPL, nâng cao hiểu biết và tiếp cận của người dân với dịch vụ của TPL. Các nội dung cụ thể trong Kế hoạch như sau:

Trong quý I-2016, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh; Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18-10-2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn hiện hành để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của TPL.

Tiếp theo Bộ Tư pháp phải chủ trì tổ chức đào tạo nghề TPL từ quý II-2016. Bên cạnh, tập huấn nội dung NQ107 và các văn bản có liên quan cho cán bộ, công chức có liên quan của TAND, Viện KSND, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện và các TPL, Thư ký nghiệp vụ TPL.

Năm 2016 và các năm tiếp theo, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương dành thời lượng phù hợp phổ biến về chế định TPL và NQ107 trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ở các địa phương triển khai thực hiện chế định TPL phải xây dựng Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh trong việc thực hiện chế định TPL tại địa bàn.

PHƯƠNG DUNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết