19/03/2018 - 07:35

Tranh cãi về mặt trái của phong trào #MeToo 

Phong trào chống xâm hại tình dục trong làng giải trí thế giới, #MeToo, nổ ra tại Hollywood từ năm 2017, khi nhiều sao nữ tố cáo nhà sản xuất nổi tiếng và quyền lực Harvey Weinstein quấy rối họ. Gần đây phong trào này khiến làng giải trí Hàn Quốc rung chuyển, bởi nhiều cáo buộc đối với những tên tuổi được xem là “quốc bảo”. Thế nhưng, vụ tự sát của tài tử gạo cội Jo Min Ki sau tố cáo, đã một lần nữa dấy lên tranh cãi về mặt trái của phong trào này.

Sau khi bị cáo buộc quấy rối tình dục 20 phụ nữ, chủ yếu là nữ sinh, trong thời gian Jo Min Ki là giáo sư Khoa Nghiên cứu sân khấu Đại học Cheongju, nam diễn viên có sự nghiệp rất thành công của Hàn Quốc viết thư xin lỗi và tự sát hôm 9-3. Vụ tự sát gây bàng hoàng và tạo nên nhiều tranh cãi, bởi ngay cả khi ông chết, các nghệ sĩ Hàn Quốc vẫn không dám đến viếng vì sợ dư luận. Trang Newsen của Hàn Quốc cho biết trong những ngày diễn ra lễ tang của Jo Min Ki, chỉ có 3-4 đồng nghiệp đến. Nam diễn viên Jo Sung Gyu viết trên Twitter: “Tôi đã đến viếng vào hôm 11-3, hôm nay tôi cũng có mặt nhưng không có ai ngoài tôi. Những người đã từng là chiến hữu của anh ấy suốt 28 năm qua đang ở đâu? Các bạn sợ hãi điều gì? Tội ác của Jo Min Ki gây ra, anh ấy phải gánh chịu. Nhưng mối quan hệ giữa các bạn và anh ấy là chuyện khác”.

Vụ tự sát của diễn viên Jo Min Ki (ảnh) khiến nhiều người đặt vấn đề mặt trái của phong trào #MeToo. Ảnh: Newsen
Vụ tự sát của diễn viên Jo Min Ki (ảnh) khiến nhiều người đặt vấn đề mặt trái của phong trào #MeToo. Ảnh: Newsen

Mạnh mẽ hơn, nam diễn viên trẻ đang rất nổi tiếng Yoo Ah In đăng trên Instagram video trích từ bộ phim “Nữ hoàng Elizabeth”, đoạn cả cộng đồng điên cuồng săn lùng và giết chết các phù thủy. Tờ Korea Herald cho rằng Yoo Ah In ám chỉ sự phát triển của truyền thông đang dẫn #MeToo xa rời ý nghĩa ban đầu; bởi sự tố cáo ẩn danh và đánh đồng mọi hành động là quấy rối, cũng giống việc săn phù thủy vô tội vạ thời trung cổ.

Sự so sánh trên đã từng được nêu bởi một số tên tuổi lớn như minh tinh Catherine Deneuve người Pháp hay đạo diễn người Áo Michael Haneke. Catherine Deneuve cùng 100 tác giả, nghệ sĩ… viết thư gửi báo giới phương Tây, cho rằng làn sóng tố cáo quấy rối và xâm hại tình dục đã bị biến thành một cuộc “săn phù thủy”, gây hoảng loạn khi nhiều người bị xử tội mà chưa rõ bằng chứng. Tờ Le Monde trích dẫn lá thư: Hiếp dâm là tội ác, nhưng hành động ve vãn người khác - dù dai dẳng và sống sượng - thì không phải. Theo lá thư, phong trào chống xâm hại tình dục bắt đầu bằng việc giải phóng phụ nữ, nhưng đang biến thành sự hăm dọa và ngăn cản những người không đi theo quan điểm này.

Câu chuyện điển hình cho sự hăm dọa những người không thể công khai ủng hộ #MeToo là việc Công nương Kate Middleton bị chỉ trích vì không mặc trang phục đen (các khách mời tuyên bố mặc đồ đen ủng hộ phong trào chống xâm hại tình dục) tại Lễ trao giải British Academy Film Awards ngày 18-2-2018. Công nương dù đã mặc bộ trang phục xanh đen tối màu, nhưng vẫn hứng chịu vô số sỉ vả; dù dư luận đều biết theo nguyên tắc Hoàng gia Anh, Công nương không thể can dự và phát ngôn trực tiếp hoặc gián tiếp về các phong trào chính trị. Cho nên, các nhà báo nổi tiếng của Anh đã lên tiếng về sự cực đoan của #MeToo, bởi phong trào này dần trở nên hình thức và bất nhẫn, khi đấu tranh cho nữ quyền bằng cách chỉ trích một phụ nữ chỉ vì màu áo của họ trong tình huống bất khả kháng.

XUÂN VIÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết