Từ ngàn xưa, lễ cưới của người Việt được coi là một trong 4 nghi lễ quan trọng của đời người, gồm: quan, hôn, tang, tế. Nhằm phát huy những giá trị và nét đẹp truyền thống của đám cưới Việt Nam, Bảo tàng thành phố Cần Thơ từng kết hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam triển lãm “100 năm đám cưới Việt Nam”. Nội dung triển lãm chia làm bốn giai đoạn, rất ý nghĩa: đám cưới theo lối “tân thời” khoảng nửa đầu thế kỷ 20; đám cưới thời chiến; đám cưới thời “bao cấp” và đám cưới thời mở cửa. Mỗi thời kỳ đều có hình ảnh minh họa sinh động và đầy ấn tượng, giúp người xem có thể khái quát được bối cảnh của hôn lễ gia đình diễn ra trong từng thời kỳ lịch sử.

|
Khay trầu không thể thiếu trong lễ cưới của người Việt. Ảnh: DUY KHÔI |
Ai cũng biết hôn nhân là việc “chung thân đại sự” có quan hệ đến hạnh phúc suốt đời của mỗi người. Theo lễ giáo phong kiến, hôn nhân không phải là việc riêng tư của đôi trai gái mà là việc hai họ đứng ra dựng vợ gả chồng cho con cái, nhằm xác lập quan hệ giữa hai gia tộc trên cơ sở lấy “môn đăng hộ đối” làm đầu. Bởi thế, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”; tiếp theo là coi tuổi, coi ngày dựa trên ngũ hành tương sinh tương khắc và còn phải tuân thủ một số qui định nghiêm ngặt.
Một số nhà xã hội học cho rằng vào thời phong kiến, hôn nhân đối với họ nhà trai được coi như một công cụ để nối dõi tông đường, đời này đến đời khác “vĩnh truyền tông tộc” và phát triển nguồn nhân lực. Trong xã hội phong kiến, không có con là tội bất hiếu lớn nhất “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Vì thế trong việc chọn dâu, ngoài tiêu chuẩn “công dung ngôn hạnh”, họ còn chú ý đến mẫu người khéo chiều chồng, khéo nuôi con. Ngay đến lễ hợp cẩn, đàng trai cũng tin tưởng rằng muốn có con đàn cháu đống phải nhờ một phụ nữ đông con, phúc hậu, chồng vợ song toàn trải chiếu cho cô dâu chú rể nằm.
Trước kia, ông cha ta chọn vợ gả chồng cho con cái còn nhằm đáp ứng quyền lợi của làng xã, thường chọn người cùng làng để duy trì sự ổn định. Lịch sử hôn nhân Việt Nam ghi lại nhiều đám cưới mang dấu ấn lợi ích của cộng đồng, làng xã và quốc gia, điển hình như đám cưới của Trọng Thủy và Mị Châu, của Huyền Trân công chúa và Chế Mân, của Ngọc Hân công chúa và Nguyễn Huệ
Tuy nhiên, vai trò của tình yêu trong hôn nhân không phải vì thế mà bị xem nhẹ. Khi làm lễ hợp cẩn, hai vợ chồng có tục ăn chung một đĩa cơm nếp, uống chung một chén rượu với ước nguyện đôi nam nữ đời đời gắn bó bên nhau và say tình như say rượu. Ngay cả miếng trầu cũng nói lên tình nghĩa vợ chồng:
Trầu xanh cau trắng cay nồng.
Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên.
Theo Phạm Đình Hổ, lễ cưới có từ thời Phục Hy (Trung Quốc). Lúc đầu đặt ra sáu lễ nhằm kéo dài thời gian cho hai họ dò xét ngọn ngành và chuẩn bị lễ cưới chu đáo hơn, sau này dần dần rút lại còn ba lễ: vấn danh, nạp sính và thân nghinh. Bước sang nửa đầu thế kỷ 20, nhất là từ khi tiếp xúc với nền văn hóa Âu Tây, lễ cưới Việt Nam bắt đầu theo lối tân thời, các nghi thức truyền thống được kết hợp hài hòa với những nét tân thời như y phục, mai mối, thách cưới, phù dâu, phù rể. Tuy nhiên, các yếu tố thuộc về văn hóa tâm linh như chọn ngày lành tháng tốt, mở mâm trầu, làm lễ tơ hồng
vẫn duy trì.

|
Đôi tân hôn mở mâm trầu và lấy trầu cau mời hai họ - nghi thức quan trọng trong lễ cưới của người Việt. Ảnh: DUY KHÔI |
Xưa kia, theo tục lệ, lễ cưới diễn ra vào chiều tối, thời điểm âm dương giao hoán, thuận theo lẽ tuần hoàn của trời đất. Theo cụ Đào Duy Anh, chữ “hôn” trong “hôn nhân”, có nghĩa là chiều hôm. Ngày nay, lễ tục ấy không còn nữa.
Cách nay nửa thế kỷ, nhà văn Tô Hoài đã mô tả một cảnh rước dâu ở miền Bắc như sau: “Một ông cụ khòm lưng, râu tóc bạc phơ, mặc tấm áo thụng xanh ôm bó hương khói lên nghi ngút đi trước. Cụ đi cùng mấy ông già thuộc về nhà trai. Sau mới đến chú rể, các bạn phù rể. Sau cùng là cô dâu và các cô phù dâu
Chú rể đầu chít khăn lượt, đội nón chóp quai tua. Cô dâu thắt lưng nhiễu Tam Giang, bên trong còn đôi giải yếm lụa bạch
Hai bên đường chật ních người xem, người ta chú ý nhìn cô dâu, nhìn từng li từng tí
”. Còn nhà văn Phi Vân thì lại tả cảnh rước dâu bằng ghe ở một vùng quê Nam bộ với các chi tiết như sau:“ Ngồi trong chiếc ghe chật chội, chú rể khăn đóng áo dài, các cô gái áo tím áo xanh, mang theo bóp đầm, kiếng soi mặt, má phấn môi son. Đại diện đàng trai mang theo khay trầu rượu, khay hộp, mâm lễ vật
để trình đàng sui gái. Ghe cặp bến, chưa tới giờ, đàng gái không chịu ra nghinh tiếp, đàng trai phải chờ sốt cả ruột, cuối cùng đại diện đàng trai phải tìm cách đấu lý để giành giựt cô dâu xuống ghe cho kịp con nước”. Nhà văn Sơn Nam cũng cho rằng cưới hỏi là điều rất quan trọng, tuy là hình thức nhưng ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại của dân tộc. Vợ chồng hòa thuận, ăn đời ở kiếp, gia đình mới bền vững, xã hội mới phồn vinh.
Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, đám cưới ở nước ta được thực hiện theo chế độ hôn nhân tự do và tiến bộ, một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con cái. Đặc biệt là trong thời chiến (1945-1975), quan niệm đám cưới theo “Đời sống mới” đã dần dần thay thế một số phong tục cũ, không còn phù hợp. Tuy nhiều gia đình vẫn giữ những nghi thức truyền thống như việc làm lễ gia tiên, lạy họ và trình các lễ vật gồm khay trầu rượu, mâm trầu cau và các mâm bánh mứt trà rượu trước họ nhà gái, nhưng mỗi địa phương, mỗi vùng miền đều có cách ứng xử khác nhau do điều kiện kinh tế, lịch sử, tôn giáo, tập tục và tín ngưỡng.
Thời bao cấp (1975-1990), lễ cưới đã bắt đầu bớt rườm rà, nghi thức nhẹ nhàng và cởi mở, không khí hồn nhiên, ấm cúng hơn. Đặc biệt ở nông thôn miền Nam, nhiều nơi vẫn thích tổ chức linh đình trong ngày nhóm họ, bà con họ hàng có mặt vui vẻ liên tiếp 2- 3 ngày. Bước sang thời mở cửa, cuộc đổi mới đã làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn, nhất là ở thành thị, nhiều thành phố lớn đã bày ra dịch vụ hôn lễ như cho mướn xe hoa, áo cưới, tổ chức tiệc tùng, trang điểm cô dâu, chụp ảnh, quay phim, làm pháo giả, kể cả thuê người dẫn chương trình.
Về hình thức, nhiều địa phương vẫn giữ nguyên cốt lõi các lễ tục như lên đèn, lạy bàn thờ cửu huyền, lạy họ, trao nhẫn, dỡ mâm trầu vì theo quan niệm của người xưa, đốt nến lên đèn biểu hiện cho sự đồng ý của gia tộc và người khuất mặt. Hai ngọn nến tượng trưng cho âm và dương, âm dương tạo ra trời đất và vạn vật trong đó có con người. Trầu cau biểu tượng của lòng chung thủy. Cuộc sống hiện nay vô cùng tất bật, bộn bề nhưng nhiều gia đình cử hành hôn lễ vẫn giữ được nền nếp gia phong, nêu cao truyền thống dân tộc nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp trong ngày hôn lễ, đặc biệt là nghi thức trao nhẫn. Theo nhà văn Sơn Nam thì trước thế kỷ 20 lễ cưới Việt Nam chưa có tục trao nhẫn mà chỉ có lễ “động phòng hoa chúc” và tặng đôi bông tay làm kỷ vật.
Gần đây, ở một số gia đình, những cặp vợ chồng già còn tiếp thu nét văn hóa phương Tây: tổ chức kỷ niệm ngày cưới như “đám cưới bạc, “đám cưới vàng”, “đám cưới kim cương”
để bày tỏ sự chung thủy và gắn bó với nhau đến trọn đời trọn kiếp.
Việc cưới hỏi cần được giữ gìn để trở thành một mỹ tục, một nếp sống văn minh, giảm dần những hình thức lai căng, kệch cỡm và phô trương giả tạo. Có như thế mới phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.
Hoài Phương
Tài liệu tham khảo:
-Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ - NXB Trẻ 1997
-Nghi thức lễ bái của người Việt Nam - NXB Trẻ 1997
-Lễ tục Việt Nam xưa và nay của Phan Kim Huê - NXB Thanh niên 2000
-Sổ tay Văn hóa VN của Trương Chính và Đặng Đức Siêu NXB Văn hóa 1978.
-Tư liệu của Bảo tàng TP.Cần Thơ.