16/03/2017 - 10:31

Trắc trở đường đua vào Điện Élysée

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay chứng kiến các ứng viên nặng ký không dính rắc rối này cũng vướng bê bối kia, ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc đua của họ vào Điện Élysée.

Ảnh:Politico 

Chiến dịch tranh cử của ứng viên thuộc đảng Những người Cộng hòa (LR) Francois Fillon (ảnh) trở nên vô cùng khó khăn khi hôm 14-3 ông chính thức bị điều tra vì nghi án “biển thủ công quỹ”, lần đầu tiên xảy ra đối với một ứng viên tổng thống ở quốc gia hình lục lăng. Cựu thủ tướng Pháp còn bị truy tố vì các tội đồng lõa cũng như khai báo tài sản không đầy đủ với Cơ quan Minh bạch Công vụ.

Phản ứng với quyết định điều tra, đội ngũ tranh cử của ông Fillon và một số đảng liên minh tuyên bố chiến dịch tranh cử vẫn tiếp diễn. Trước đó, ông Fillon phủ nhận các cáo buộc đồng thời khẳng định không từ bỏ cuộc đua đến chiếc ghế tổng thống Pháp. Từng là ứng viên sáng giá nhất, nay ông Fillon phải chấp nhận xếp thứ ba sau ứng viên trung dung là cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron và thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen trong các cuộc thăm dò dư luận. Hai ứng viên nhận được tỷ lệ ủng hộ cao nhất ở vòng 1 sẽ bước tiếp vào vòng 2.

Quyết định chính thức điều tra đã đẩy ứng viên của phe cánh hữu Fillon đến gần hơn việc phải hầu tòa trong khi chưa đầy 6 tuần nữa sẽ diễn ra vòng bầu cử đầu tiên. Theo luật của Pháp, người bị điều tra chính thức có nghĩa có “bằng chứng chắc chắn và nghiêm túc” cho thấy sự liên quan của nghi can trong việc phạm tội. Tội biển thủ công quỹ có thể lãnh mức án 10 năm tù giam và nộp phạt 1 triệu euro.

Ông Fillon không phải là ứng viên duy nhất vướng rắc rối pháp lý. Hôm 13-3, Cơ quan công tố Paris cũng đã mở cuộc điều tra sơ bộ với tội danh “thiên vị và đồng lõa” đối với ông Macron trong sự kiện “Đêm Công nghệ Pháp” diễn ra tại thành phố Las Vegas (Mỹ) hồi năm ngoái.

Trước đó, tuần báo Le Canard Enchaine trích dẫn báo cáo của Tổng Thanh tra Tài chính của Pháp (IGF) cho rằng quyết định tổ chức “Đêm Công nghệ Pháp” đã được đưa ra một cách vội vàng, theo yêu cầu của Văn phòng Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron. Trong đó, Business France- cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của Chính phủ Pháp- bị nghi đã dành cho tập đoàn truyền thông Havas quyền tổ chức sự kiện mà không đấu thầu “quyền tổ chức” như thông lệ. Được biết, tổng chi phí của “Đêm Công nghệ Pháp” lên đến 380.000 euro.

Còn bà Le Pen hồi đầu tháng này đã bị Nghị viện châu Âu (EP) tước quyền miễn trừ, mở đường cho các công tố viên Pháp truy tố bà vì đăng tải 3 hình ảnh chết chóc của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên trang Twitter hồi tháng 12-2015. Án phạt nặng nhất đối với tội phát tán hình ảnh bạo lực là 3 năm tù và nộp phạt 75.000 euro.

                             THANH BÌNH (Theo Reuters, AFP, ABC, Guardian)

Chia sẻ bài viết