20/11/2019 - 11:03

Trả tiền cho nước nghèo để giữ rừng 

Hồi năm 2009, Na Uy cam kết hỗ trợ Guyana 250 triệu USD nếu quốc gia nhỏ bé tại Nam Mỹ kiềm chế tỷ lệ phá rừng mỗi năm xuống còn 0,056% trong giai đoạn 2010-2015. Hôm 18-11, giới nghiên cứu Mỹ kết luận thỏa thuận này đang phát huy hiệu quả.

Cây rừng ở Gabon. Ảnh: Iran Daily

Văn kiện nói trên là một phần trong chương trình quốc tế hỗ trợ tài chính để bảo vệ rừng, viết tắt là REDD+. Thật ra, tỷ lệ mục tiêu vẫn còn cao hơn mức độ phá rừng trong thập niên trước đó (0,036%), nhưng các nhà quan sát nhận thấy chính hợp đồng của Na Uy đã giúp Guyana giảm 35% diện tích rừng bị đốn hạ trong 5 năm. Điều này tương đương với việc tránh phát thải ra môi trường 12,8 triệu tấn khí carbon, theo báo cáo của Đại học Boise State. Nhóm nghiên cứu tính toán rằng nếu không có cam kết của Oslo, mức độ tàn phá rừng tại quốc gia gần 780.000 dân này lẽ ra đã tăng đáng kể do bùng nổ giá vàng. Phá rừng để khai thác vàng là nguyên nhân chính xóa sổ rất nhiều diện tích rừng tại Guyana, nơi rừng bao phủ hơn 4/5 bề mặt. Được biết Chính phủ Guyana đã đưa ra nhiều sáng kiến về tài chính để kiểm soát hoạt động của những người tìm mỏ vàng. Các đối tượng này đã ngừng tàn phá rừng vì "tiền thưởng" của Na Uy có giá trị cao hơn lợi nhuận thu được từ việc trao đổi vàng. Vàng là mặt hàng xuất khẩu số một của Guyana. Ngoài kim loại quý này, kim cương và các khoáng sản khác cũng có nhiều dưới nền đất rừng tại đây.

Hiệu quả của dự án trên còn được thấy qua việc sau khi thỏa thuận kết thúc vào năm 2015, nạn phá rừng ở Guyana ngay lập tức tăng vọt. Kết quả này cũng dấy lên lo ngại trả tiền cho Guyana để bảo vệ rừng có thể đẩy nạn phá rừng sang những quốc không ký kết thỏa thuận tương tự. Bằng chứng là trong khi chương trình REDD+ có hiệu lực tại Guyana, nạn phá rừng trên khắp biên giới ở quốc gia láng giềng là Surinam đã tăng vì đối tượng khai thác vàng đổ xô đến đây.

Hồi tháng 9 vừa rồi, Na Uy cũng đã ký một thỏa thuận mang tính lịch sử với Gabon để khuyến khích nước này kéo giảm lượng phát thải khí nhà kính do chặt phá rừng. Trong 10 năm, quốc gia Trung Phi sẽ được trả tiền dựa trên số tấn carbon mà họ không phát thải, so với mức trung bình gần đây. Cụ thể, cứ mỗi tấn carbon không thải ra môi trường, Gabon sẽ nhận 10 USD và chỉ được thanh toán dựa trên các kết quả được xác thực từ năm 2016 đến 2025.

Thỏa thuận trên thuộc Sáng kiến Rừng Trung Phi (CAFI) do Liên Hiệp Quốc phát động vào năm 2015, nhằm kết nối các nhà tài trợ châu Âu với 6  quốc gia Trung Phi. Gabon là nước đầu tiên được trả tiền để bảo vệ rừng. Được biết Gabon có tới 90% diện tích có rừng bao phủ. Đây cũng là quê hương của cây kevazingo, mà gỗ của nó được dùng để chế tạo đồ nội thất cao cấp tại châu Á. Mặc dù Chính phủ Gabon đã cấm khai thác kevazingo hồi năm 2018, nhưng loại gỗ quý này vẫn là mục tiêu của bọn buôn lậu.

Năm ngoái, Liberia cũng được Na Uy hứa tài trợ 150 triệu USD để chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốn hạ cây rừng vào năm 2020.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết