03/04/2018 - 22:28

Trả đũa thuế quan và “đòn hiểm” của Trung Quốc 

Sau việc Trung Quốc áp mức thuế bổ sung với 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 3 tỉ USD, các nhà quan sát cho rằng đây mới chỉ là thông điệp cảnh cáo của Bắc Kinh giữa lúc chính quyền Tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch mở rộng thuế quan nhắm đến các ngành trụ cột của nền kinh tế số 2 thế giới.

Trái cây Mỹ bày bán trong siêu thị Trung Quốc.

Đầu tháng 3, Tổng thống Trump quyết định tăng thuế đối với thép (25%) và nhôm (10%) nhập khẩu nước ngoài. Một số nước sau đó được miễn trừ nhưng không gồm Trung Quốc. Trong động thái cứng rắn, Washington sau đó tiếp tục công bố kế hoạch đánh thuế trị giá 60 tỉ USD đối với 1.300 dòng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời hạn chế các doanh nghiệp nước này đầu tư vào Mỹ. Nhà Trắng cho biết đây là đòn trừng phạt việc cường quốc châu Á đánh cắp công nghệ, bí mật thương mại, việc làm và doanh thu của giới doanh nghiệp Mỹ.

Trung Quốc trong động thái đáp trả cho biết áp thuế 25% với 8 loại hàng nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có nhôm và thịt heo đông lạnh. Ngoài ra, 120 loại hàng hóa khác như thép và nông sản gồm ngũ cốc, trái cây tươi, hạt khô, rượu vang và nhân sâm bị áp thuế 15% từ ngày 2-4.

Các nhà quan sát cho rằng gói thuế mới mà Trung Quốc đưa ra rõ ràng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến kim ngạch xuất khẩu 2.300 tỉ USD của Mỹ. Trong danh sách 128 loại hàng hóa bị áp thuế mới cũng không bao gồm mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Mỹ sang Trung Quốc là đậu nành, vốn có kim ngạch lên tới gần 14 tỉ USD mỗi năm.

Vì vậy, theo giới phân tích, bước đi này của Trung Quốc một mặt muốn làm rõ lập trường của Bắc Kinh rằng sẽ “nghiêm túc đáp trả” nếu Washington tiếp tục mở rộng danh sách áp thuế mới nhắm vào những sản phẩm công nghệ cao và công nghiệp chế tạo thuộc nhóm ngành kinh tế trụ cột của Trung Quốc. Mặt khác, đòn trả đũa này nhắm vào tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump khi nó đe dọa sinh kế của những người nông dân và chủ trang trại thuộc những khu vực đã bỏ phiếu cho nhà tài phiệt New York trong kỳ bầu cử 2016. Theo đó, hầu hết các sản phẩm như thịt heo, nhân sâm, trái cây hay rượu vang đều là những sản phẩm chủ lực của các bang như Wisconsin hay California. Năm 2016, việc ông Trump giành được phiếu đại cử tri tại các bang chiến địa kể trên chính là chìa khóa dẫn tới chiến thắng bất ngờ trước đối thủ Hillary Clinton.

Nhiều người cho rằng nếu căng thẳng leo thang, Bắc Kinh có thể tiếp tục nhắm vào mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Mỹ là đậu nành. Đây không chỉ là đòn giáng mạnh vào ngành nông nghiệp Mỹ mà còn cả cộng đồng cử tri đã bỏ phiếu cho ông Trump. Chẳng hạn, tại nơi ông Trump từng giành được 80% số phiếu như hạt Sioux thuộc bang Iowa, cử tri ở đây cho biết họ chắc chắn không tiếp tục ủng hộ tổng thống nếu xuất khẩu nông sản sụt giảm.

MAI QUYÊN (Theo Financial Times)

Chia sẻ bài viết