13/08/2008 - 21:20

TP Cần Thơ nỗ lực bình ổn thị trường

Gần đây, do giá xăng dầu tăng, nhiều người lo ngại hàng hóa sẽ có một mặt bằng giá mới. Mới đây, tại cuộc họp với lãnh đạo TP Cần Thơ, đại diện các sở, ngành hữu quan của thành phố khẳng định: Giá cả nhiều loại hàng hóa trên địa bàn thành phố tiếp tục ổn định, nhiều mặt hàng có tăng giá nhưng vẫn ở mức hợp lý... Trên cơ sở đó, UBND thành phố chỉ đạo trong thời gian tới các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý giá cả hàng hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bình ổn thị trường, góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát...

* Thị trường bình ổn

Ngày 21-7, Chính phủ quyết định tiếp tục tăng giá bán lẻ xăng dầu trên cả nước . Tuy nhiên, theo các ngành hữu quan, đến nay, giá cả hàng hóa trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn bình ổn.

Khách hàng lựa chọn hàng hóa tiêu dùng tại Siêu thị Co.opMart Cần Thơ. Ảnh: NAM HƯƠNG 

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, hiện chỉ có tập đoàn Mai Linh được chấp thuận điều chỉnh tăng giá cước taxi và doanh nghiệp tư nhân Hoàng Nam, kinh doanh vận tải thủy, tăng giá vận chuyển hành khách tuyến Cần Thơ – Cà Mau từ 60.000 đồng/chuyến/hành khách lên 70.000 đồng/chuyến/hành khách. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân Hoàng Nam xin phép điều chỉnh mức giá cước trước khi có quyết định giá xăng dầu bán lẻ trên thị trường tăng giá. Đối với các phương tiện kinh doanh vận tải khác trên địa bàn thành phố, như ông Lư Thành Đồng – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, cho biết: Đến ngày 11-8, Sở vẫn chưa chấp thuận cho đơn vị vận tải nào tiếp tục điều chỉnh giá cước vận tải.

Từ đầu tháng 8-2008, giá nhiều loại vật liệu xây dựng trên địa bàn TP Cần Thơ đã hạ nhiệt. Cụ thể: xi-măng giảm bình quân khoảng 2.000 đồng/bao, giá các loại thép xây dựng giảm khoảng 400 đồng/kg. Giá giảm nhưng sức tiêu thụ 2 mặt hàng này khá yếu do nhu cầu xây dựng ít vì đang trong mùa mưa.

Còn đối với các mặt hàng thực phẩm tình hình rất ổn định. Ông La Minh Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ (C.T.C), cho biết: Hiện nay, tại hệ thống các cửa hàng cũng như các chợ của C.T.C, giá cả nhiều loại hàng hóa tương đối bình ổn. Trong đó, cũng có một số mặt hàng tăng giá nhưng mức tăng này vẫn tương đối hợp lý do chi vận chuyển tăng. Dù có biến động ít nhiều về giá cả, nhưng phần lớn các mặt hàng sức mua đều giảm so với trước. Một trong những nguyên nhân, ông La Minh Hồng cho biết: “Trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp muốn làm ăn lâu dài phải giữ uy tín với khách hàng. Chính vì thế, doanh nghiệp nào cũng muốn tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất để sản phẩm đến với người tiêu dùng có giá cả cạnh tranh”.

* Kiến nghị từ doanh nghiệp

Theo ghi nhận của nhiều người tiêu dùng, tại hệ thống các siêu thị, thời gian qua, giá cả hàng hóa tương đối ổn định so với các các chợ, trung tâm thương mại. Bà Dương Thị Năm, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Cần Thơ, cho biết: “Muốn tăng giá, các đơn vị cung cấp phải thông báo cho siêu thị ít nhất là 15 ngày. Đây là một lợi điểm của hệ thống siêu thị so với chợ, trung tâm thương mại”. Ngoài ra, theo bà Dương Thị Năm, để ổn định lượng hàng hóa cũng như giá cả, hệ thống Siêu thị Co.op Mart luôn dự báo nhu cầu, chủ động đăng ký hàng hóa đối với nhà cung cấp. Thậm chí, ứng trước vốn cho nhà cung cấp để đảm bảo đủ nguồn hàng phân phối cho siêu thị ngay cả khi giá cả hàng hóa có tăng cao. Chính vì thế, bà Dương Thị Năm kiến nghị: “Thành phố nên xem xét thành lập quỹ bình ổn giá để có nguồn cân đối và điều chỉnh khi có một mặt hàng nào đó biến động đột ngột theo chiều hướng bất lợi cho người tiêu dùng. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ vụ “sốt” giá gạo vào cuối tháng 4 -2008, thành phố nên hình thành kênh phân phối hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để can thiệp kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra”.

Ông Mai Xuân Chiến, Giám đốc Công ty Xăng dầu Tây Nam Bộ, bày tỏ: “Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng có tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa trên thị trường. Trong khi đó, mức thù lao 160-170 đồng/lít dầu bán ra cho các cửa hàng, cây xăng được áp dụng từ khi dầu còn ở giá 4.000 -5.000 đồng/lít đến giờ vẫn không điều chỉnh là quá lạc hậu...”. Đây là những lý do chính khiến thị trường này dễ bị tác động khi có tin đồn thất thiệt (như tin đồn giá xăng dầu tăng vào ngày 5-8 vừa qua). Vì thế, ông Chiến cho rằng: thành phố cần có kiến nghị với các ngành chức năng nâng mức thù lao cho các cây xăng; cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý thị trường xăng dầu, nhất là quản lý các đầu mối cung cấp lớn và mạnh dạn xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

* Tăng cường kiểm tra, bình ổn thị trường

Ông Đỗ Văn Dũng, Chi Cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ, cho biết: “Đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố, ngoài sốt giá gạo đột biến vào cuối tháng 4 -2008, nhìn chung không có tình trạng sốt hàng cũng không có tình trạng mất kiểm soát hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại các địa bàn. Lực lượng chức năng vẫn chưa phát hiện tình trạng găm hàng, đầu cơ, gây rối thị trường...”. Kết quả này, theo ông Dũng, chính là sự phối hợp của các ngành chức năng trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung kiểm tra và xử lý các biểu hiện găm hàng tăng giá, không niêm yết giá bán và bán không đúng giá niêm yết, chống đầu cơ...

Tuy nhiên, theo nhận xét của Ban chỉ đạo 127 TP Cần Thơ (Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại), đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ chịu tác động của nhiều yếu tố gây bất ổn như giá cả một số mặt hàng thiết yếu (sắt, thép, phân bón, lương thực, thực phẩm, xăng dầu...) trên thị trường tăng cao. Trong khi đó, các loại dịch bệnh như cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng ở gia súc, dịch heo tai xanh... diễn ra trên diện rộng. Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban chỉ đạo 127, cho rằng: “Hạn chế hiện nay là công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chưa đi vào chiều sâu. Việc phân tích đánh giá tình hình, dự báo các khả năng để có các biện pháp phòng ngừa những biến động giá cả thị trường tuy đã được quan tâm, nhưng vẫn bộc lộ nhiều yếu kém nên hiệu quả chưa cao. Những hạn chế này khiến các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại diễn biến khá phức tạp trong thời gian qua”.

Để bình ổn thị trường UBND thành phố chỉ đạo: Từ nay đến cuối năm các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; phối hợp triển khai và kiểm tra 10 mặt hàng thiết yếu gồm: lương thực, xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh, sắt thép, xi măng...; theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường để ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá. Ngoài ra, để góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định thị trường, các ngành chức năng phải tăng cường kiểm tra về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm tra việc thực hiện đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở sản xuất kinh doanh, bán lẻ để hạn chế thủ đoạn gian lận về giá; kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ dự trữ hàng hóa quá mức, kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng; xử lý thích đáng những kẻ loan tin đồn tăng giá bán hàng hóa để trục lợi.

HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết