Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái tại TP Cần Thơ và nhiều địa phương trong nước đã liên tục tăng, giúp tạo một lượng lớn trái cây phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nhờ phát triển trồng cây ăn trái, nhiều hộ dân cũng đã có điều kiện nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, gần đây giá nhiều loại trái cây bị giảm thấp, nhiều nông dân đã gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm và không thể kiếm lời, do vậy bà con rất mong giá trái cây sớm phục hồi trở lại.

Thu hoạch nhãn Ido tại vườn của chị Trần Thị Tuyết, phường Thới Long, TP Cần Thơ.
Giá giảm, nông dân gặp khó
Trong những tuần vừa qua, có nhiều loại trái cây đã bị giảm giá xuống ở mức rất thấp so với những tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL, giá nhiều loại ổi, xoài và mít được được nông dân bán xô tại vườn chỉ ở mức 1.000-3.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy, nhiều nông dân đã bị lỗ vốn nặng, nhất là khi thời gian qua giá nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư đầu vào phục vụ sản xuất đã tăng lên ở mức khá cao. Trong khi đó, nhiều loại trái cây vốn trước đây có giá cả đầu ra khá tốt thì gần đây cũng đã bị sụt giảm mạnh. Nhà vườn không còn kiếm được mức lời cao như năm trước, thậm chí bị lỗ vốn nếu vườn cây đạt năng suất thấp.
Anh Nguyễn Văn Tàu ở ấp Trường Thạnh, xã Trường Thành, TP Cần Thơ, có 14 công đất trồng mít Thái, cho biết: "Chưa năm nào giá mít Thái bị rớt giá xuống ở mức thấp như thời gian qua, với giá mít bán xô tại vườn chỉ còn ở mức 1.000-2.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm trước có giá bán xô từ 15.000-17.000 đồng/kg trở lên. Hiện giá mít Thái đã tăng trở lại khoảng 4.000-5.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 3-4 tuần lễ, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp, với giá bán xô là 5.000-6.000 đồng/kg, còn tuyển lựa hàng loại 1 ở mức 10.000-11.000 đồng/kg. Mức giá này chưa đảm bảo cho người trồng có lời, do vậy rất mong giá mít sớm có sự phục hồi mạnh mẽ trở lại".
Chị Trần Thị Tuyết ngụ khu vực Thới Xương 2, phường Thới Long, TP Cần Thơ hiện có 3 công đất trồng nhãn Ido đã được 7 năm tuổi. Năm nay vườn nhãn của chị cho trái rất sai, với sản lượng sản ước có thể đạt trên 8 tấn nhưng chị không vui vì giá nhãn bị giảm thấp và gặp khó trong tiêu thụ. Chị Tuyết, cho biết: "Giá nhãn Ido không chỉ bị giảm thấp mà thương lái cũng giảm đi thu mua nên nhà vườn có phần gặp khó trong kêu bán nhãn. Cách nay hơn 1 tháng, nhãn Ido có giá bán lên đến 30.000-32.000 đồng/kg nhưng gần đây giá giảm xuống chỉ còn 10.000-12.000 đồng/kg đối với nhãn loại trái to và có màu da đẹp, còn nhãn loại xấu chỉ ở mức 7.000-8.000 đồng/kg. Giá nhãn phải ở mức từ 15.000 đồng/kg trở lên nông dân mới có thể kiếm lời nên tôi rất mong giá sớm tăng trở lại".
Theo nhiều nông dân trồng cây ăn trái, hiện giá hầu hết các loại trái cây đều có xu hướng giảm so với năm trước, trong đó có nhiều loại trái cây như sầu riêng, nhãn Ido, mãng cầu… đã giảm hơn 50% so với những tháng đầu năm và so với cùng kỳ. Nguyên nhân được cho là do đầu ra xuất khẩu chậm, trong khi nguồn cung tăng vì bước vào mùa thu hoạch rộ, cũng như do thời gian qua nông dân tại nhiều nơi tăng diện tích trồng cây ăn trái. Trên thị trường cũng xuất hiện ngày càng đa dạng nhiều loại trái cây nội địa và trái cây nhập khẩu, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, dẫn đến sức mua nhiều loại trái cây bị giảm, ảnh hưởng đến giá. Nhiều người đã giảm mua trái cây nhằm tiết kiệm trong chi tiêu. Thói quen và xu hướng tiêu dùng cũng có sự thay đổi, nhiều người đã "nói không" với các loại trái cây có chất lượng kém và có những dấu hiệu nghi ngờ không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Cần giải pháp hiệu quả
Trước tình trạng giá nhiều loại trái cây bị giảm thấp, nông dân không chỉ mong muốn giá sớm phục hồi lại mà còn rất cần được ngành chức năng quan tâm hỗ trợ để ổn định sản xuất và ổn định đầu ra lâu dài cho trái cây. Tránh tình trạng "trồng rồi chặt" và chặt cây này rồi lại trồng cây khác mà không hiểu rõ thị trường và tiềm năng tiêu thụ.
Ông Huỳnh Văn Giàu, nông dân trồng cây ăn trái tại xã Thới Hưng, TP Cần Thơ, cho biết: "Hiện nhiều nông dân còn thiếu thông tin về thị trường, về yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của các thị trường xuất khẩu và gặp khó trong kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Đa phần nông dân còn tiêu thụ trái cây thông qua thương lái và không có hợp đồng từ trước nên dễ rơi vào thế bị động nếu bước vào các mùa thu hoạch rộ, giá trái cây bị giảm và thương lái chậm đến thu mua hoặc đòi hạ giá thu mua xuống. Do vậy, nông dân rất cần ngành chức năng quan tâm hỗ trợ về thông tin thị trường, kết nối cung - cầu, tạo điều kiện cho nông dân ký kết hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà tiêu thụ để ổn định đầu ra trái cây".
Hiện giá nhiều loại trái cây ở mức quá thấp so với giá phân bón và nhiều loại vật tư, nguyên liệu đầu vào, giá thuê mướn nhân công cũng cao… nên nông dân gặp nhiều khó khăn trong đầu tư, chăm sóc cây. Nông dân rất mong các cơ quan chức năng quan tâm có giải pháp kéo giảm giá các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, đồng thời hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng cơ giới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, tạo sản phẩm chất lượng, an toàn để đáp ứng nhu cầu thị trường và bán được giá cao nhờ đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Mến, nông dân trồng sầu riêng ở ấp Trường Tây, xã Trường Thành, TP Cần Thơ, thời gian qua, có nhiều loại sầu riêng được bán theo dọc lề đường với mức giá thấp chỉ 25.000-40.000 đồng/kg chủ yếu là những trái sầu riêng loại dạt và sầu riêng không đạt chuẩn xuất khẩu hoặc không đạt chuẩn đưa vào các siêu thị, riêng những nông dân trồng sầu riêng đạt chuẩn vẫn bán được giá và có mức lời tốt. Vừa qua, ông đã thu hoạch 5 công sầu riêng Ri 6 đạt sản lượng 8 tấn và bán được giá 44.000-46.000 đồng/kg, trừ đi chi phí ông vẫn có lời hơn 200 triệu đồng. Từ thực tế đó, ông kiến nghị ngành chức năng cần quan tâm tập huấn cho nông dân, nhất là đối với những hộ mới trồng cây nhằm tạo sản phẩm trái cây an toàn, chất lượng và đạt chuẩn để đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường tiêu thụ trái cây thông qua phát triển du lịch.
Nhiều loại trái cây còn chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô, không thể bảo quản để lâu và khó vận chuyển đưa đi tiêu thụ ở xa nên giá trị gia tăng còn thấp và dễ gặp cảnh "thừa hàng, dội chợ". Vì vậy, ngành chức năng cũng quan tâm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao năng lực bảo quản và chế biến trái cây. Hiện nay, nước ta có hơn 1,3 triệu héc-ta cây ăn trái các loại, với sản lượng đạt 15 triệu tấn mỗi năm. Riêng tại TP Cần Thơ có hơn 102.190ha cây ăn trái, với nhiều loại cây như sầu riêng, nhãn, xoài, mít, vú sữa, mãng cầu, cam, quýt, bưởi, dâu, măng cụt, chôm chôm, chanh, ổi, mận... Ngoài ra, thành phố còn có hơn 12.470ha trồng dừa các loại.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG