Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua, nhưng cũng là thị trường có hàng rào kỹ thuật và quy định nhập khẩu nghiêm ngặt bậc nhất thế giới. Không chỉ vậy, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu mạnh để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường.

Kiểm tra chất lượng trái bưởi trước khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ tại Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu.
Thị trường tiềm năng
Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt trên 122 tỉ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt khoảng 97 tỉ USD. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, điện tử, nông sản, thủy sản và đồ gỗ ngày càng khẳng định vị thế nhờ chất lượng được cải thiện, giá cả cạnh tranh và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Hoa Kỳ. Ngược lại, Việt Nam cũng là điểm đến quan trọng của các sản phẩm công nghệ, nông sản và nguyên liệu đầu vào từ Hoa Kỳ, góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, những năm qua, Việt Nam vươn lên và dần trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu; cung cấp hàng hóa sản xuất quan trọng cho các thị trường trên toàn thế giới trong đó có Hoa Kỳ. Hiện Hoa Kỳ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Ông Marc Mealy, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, thông tin: “Mỗi năm, tổng giá trị hàng hóa toàn cầu xuất khẩu sang Hoa Kỳ khoảng 4.000 tỉ USD, bao gồm: máy móc, thiết bị, thực phẩm, dược phẩm, quần áo, các thiết bị giáo dục, ô tô… Nguyên nhân là do tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ chiếm từ 60-70% GDP của Hoa Kỳ. Điều đó cho thấy Hoa Kỳ vẫn là một thị trường có giá trị lớn đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu toàn cầu trong năm nay và những năm tiếp theo”.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội từ thị trường Hoa Kỳ, Cục Xúc tiến Thương mại, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York, phối hợp với Cục Phát triển thị trường đối ngoại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ và các đối tác như USABC, Amazon, WayFair... đã và đang triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng (bao gồm xúc tiến xuất khẩu và xúc tiến nhập khẩu). Đồng thời, tập trung vào các hội chợ quốc tế, triển lãm chuyên ngành và các chương trình kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) tại các thành phố lớn của Hoa Kỳ như New York, Los Angeles và Chicago.
Khuyến nghị từ chuyên gia
Tại hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Hoa Kỳ mới đây, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, nhấn mạnh: “Với vai trò là cầu nối giữa các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi cùng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương tiếp tục nỗ lực triển khai các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực xuất khẩu, quảng bá thương hiệu Việt Nam ra thế giới, cũng như tăng cường kết nối với các đối tác lớn như Hoa Kỳ. Cục Xúc tiến thương mại cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình khẳng định vị thế hàng hóa Việt Nam trên bản đồ thương mại quốc tế. Và sự kiện hôm nay là dịp quan trọng để cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường Hoa Kỳ, thảo luận về các cơ hội hợp tác và trao đổi những vấn đề thiết thực mà doanh nghiệp đang gặp phải”.
Để ứng phó với thách thức thuế quan mới từ Hoa Kỳ, ông Marc Mealy khuyến nghị Việt Nam cần tập trung vào một số biện pháp như đẩy mạnh sản xuất và tiếp thị những sản phẩm thiết yếu, các mặt hàng tiêu dùng. Đồng thời, cần tập trung vào các phân khúc thị trường ngách hoặc đặc thù, đơn cử như nhóm hàng hóa được chứng nhận hữu cơ có thể bán với giá cao hơn mà người tiêu dùng sẵn sàng chi trả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị cần tích cực tham gia các hội chợ và hội nghị thương mại chuyên ngành tại Hoa Kỳ.
Mặt khác, theo ông Marc Mealy doanh nghiệp Việt Nam nên đi theo hai phương thức phổ biến nhất để có thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ là thông qua giao dịch B2B (bán cho một công ty nhập khẩu của Hoa Kỳ để bán lại cho người tiêu dùng) hoặc giao dịch B2C (bán trực tiếp cho người tiêu dùng Hoa Kỳ). Đặc biệt đối với mô hình B2B, doanh nghiệp cần đáp ứng ba yếu tố chính: chất lượng sản phẩm, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; giá của sản phẩm, so sánh với các sản phẩm có chất lượng tương tự; số lượng sản phẩm có thể cung cấp trong một khoảng thời gian nhất định. Doanh nghiệp Việt cũng cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng Hoa Kỳ. Đó là cách doanh nghiệp kể một “câu chuyện” về sản phẩm hoặc “tạo ra trải nghiệm” cho người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, đối với các doanh nghiệp muốn bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng Hoa Kỳ thông qua các nền tảng trực tuyến này cần phát triển 3 năng lực: tạo mô tả sản phẩm bằng hình ảnh và văn bản bằng tiếng Anh; tạo khả năng vận chuyển sản phẩm một cách an toàn và bảo mật trực tiếp đến khách hàng tại Hoa Kỳ; tạo khả năng nhận thanh toán trực tiếp từ khách hàng tại Hoa Kỳ.
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những lợi thế cạnh tranh mà các doanh nghiệp Việt Nam có được so với các doanh nghiệp khác trong ASEAN tại thị trường Hoa Kỳ là khả năng kết nối kinh doanh thông qua liên kết với cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam tại Hoa Kỳ, thông qua các bộ, ngành, đại sứ quán Việt Nam và phái đoàn Liên Hiệp Quốc Việt Nam tại Hoa Kỳ. Đây là những lợi thế mà Việt Nam cần tiếp tục giữ vững để mở rộng, khẳng định vị thế tại thị trường Hoa Kỳ - một thị trường xuất khẩu trọng điểm, quan trọng nhất nhưng cũng đầy thách thức của Việt Nam.
Bài, ảnh: MỸ THANH