17/04/2017 - 21:35

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được trao thêm quyền lực

Với tỷ lệ ủng hộ 51,4% trong số 99,5% số phiếu được kiểm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã giành chiến thắng sít sao trước phe đối lập (48,6%) trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử diễn ra hôm 16-4, vốn sẽ mang lại cho ông quyền lực bao trùm.

Người ủng hộ giương ảnh Tổng thống Erdogan trong cuộc tuần hành tại Istanbul hôm 16-4. Ảnh: AFP

Như vậy, ông Erdogan sẽ có khả năng lãnh đạo đất nước ít nhất đến năm 2029, sẽ được toàn quyền điều hành quốc gia, có quyền giải tán Quốc hội, ban bố tình trạng khẩn cấp, bổ nhiệm các bộ trưởng và thẩm phán mà không cần sự chấp thuận của các nhà lập pháp.

Phát biểu trước đông đảo người ủng hộ, Tổng thống Erdogan đã ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ vì "có một quyết định lịch sử". "Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định về một sự thay đổi quan trọng như vậy bằng ý chí của Quốc hội và nhân dân. Lần đầu tiên trong lịch sử của nước Cộng hòa, chúng ta sẽ thay đổi hệ thống cầm quyền của mình thông qua nền chính trị dân sự. Đó là lý do tại sao điều này hết sức quan trọng"– ông Erdogan nói. Tổng thống Erdogan cũng cho biết ông đang xem xét việc tổ chức một cuộc trưng cầu khác về việc khôi phục án tử hình tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, những người ủng hộ phe đối lập đã thể hiện sự không hài lòng khi đồng loạt xuống đường phản đối.

Theo AFP, hai đảng đối lập chính của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ thách thức kết quả trưng cầu dân ý vì các cáo buộc vi phạm. Đảng Dân chủ Nhân dân người Kurd (HDP) nói có dấu hiệu cho thấy có sự thao túng khoảng 3-4% số phiếu, trong khi thủ lĩnh đảng đối lập Nhân dân Cộng hòa (CHP) Kemal Kilicdaroglu cho rằng phe phản đối đáng ra phải giành ít nhất 50% số phiếu. Do đó, CHP tuyên bố sẽ yêu cầu kiểm lại đến 60% số phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý.

Trước đó, phe đối lập từng cho rằng cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành với những điều khoản không công bằng khi các áp phích ủng hộ sửa đổi Hiến pháp (chuyển từ chế độ cộng hòa nghị viện sang cộng hòa tổng thống) xuất hiện khắp nơi trên đường phố, trong khi thông tin từ phe đối lập lại bị giới truyền thông phong tỏa.

Giới học thuật cũng lo ngại Hiến pháp mới sẽ dẫn tới sự độc tài. Howard Eissenstat, phó giáo sư lịch sử Trung Đông tại Đại học St Lawrence (Mỹ), nhận định rằng Hiến pháp mới sẽ nâng quyền lực cá nhân của Tổng thống Erdogan lên tầm cao mới, nhưng có thể gây hại đối với sự kiểm soát và cân bằng quyền lực tại Thổ Nhĩ Kỳ. "Tính độc lập của hệ thống tư pháp vốn đã rất yếu trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý. Hiến pháp mới sẽ làm cho nó trở nên tồi tệ hơn" – ông Eissenstat quan ngại.

Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjorn Jagland cho rằng với kết quả sít sao của cuộc trưng cầu dân ý, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nên "cân nhắc cẩn thận các bước đi tiếp theo". Ông Jagland nhấn mạnh điều quan trọng là bảo đảm hoạt động độc lập của bộ máy tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ phù hợp với nguyên tắc luật pháp trong Hiệp định Nhân quyền của châu Âu.

Cuộc trưng cần dân ý tại Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong khi nước này vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp. Tính đến nay đã có khoảng 47.000 người bị bắt trong cuộc trấn áp chưa từng thấy sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết