18/06/2016 - 16:54

Tổng thống Nga nhún nhường trước Mỹ?

Phát biểu trước báo giới quốc tế bên lề diễn đàn kinh tế quốc tế tại thành phố St Petersburg hôm 17-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh) bất ngờ tuyên bố chấp nhận việc Mỹ chắc chắn vẫn là siêu cường duy nhất của thế giới hiện nay và sẵn sàng làm việc với bất kỳ ai đắc cử tổng thống Mỹ sắp tới.

"Mỹ là một cường quốc - mà ngày nay có lẽ là siêu cường duy nhất. Chúng tôi chấp nhận điều đó. Chúng tôi mong muốn và sẵn sàng làm việc với Mỹ. Thế giới cần một cường quốc như Mỹ và chúng tôi cần điều này…"- ông Putin phát biểu. Tuy vậy, nhà lãnh đạo xứ bạch dương nhấn mạnh Mát-xcơ-va không muốn thấy Washington tiếp tục can thiệp vào các công việc nội bộ của nước Nga.

Khi được hỏi về ông Donald Trump - ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, nhà lãnh đạo quyền lực nhất nước Nga khẳng định ông chỉ nhận xét tỉ phú 69 tuổi này là người "sáng trí", đồng thời khẳng định Điện Kremlin đã chuẩn bị làm việc với bất kỳ ứng viên nào được cử tri xứ cờ hoa chọn làm tổng thống. Điều này cho thấy dường như ông Putin đã giảm bớt các bình luận tích cực về ứng viên Trump. Bởi hồi tháng 12-2015, ông Putin từng mô tả ông Trump là "rất sáng trí", "tài năng" và là "nhà lãnh đạo tuyệt đối trên đường đua tổng thống Mỹ".

Trong khi đó, Tổng thống Nga kiệm lời hơn khi nhận xét về bà Hillary Clinton - ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, dẫn lý do chưa trực tiếp làm việc với cựu Ngoại trưởng Mỹ, mà chỉ có Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov là người làm việc nhiều với bà Clinton. Tuy vậy, ông Putin nhấn mạnh "mối quan hệ nồng ấm" với chồng bà Clinton - cựu Tổng thống Bill Clinton, nói rằng ông biết ơn về sự quan tâm cũng như tôn trọng mà ông Clinton đã dành cho nước Nga và cá nhân ông.

Trong bài phát biểu, ông Putin còn bày tỏ hy vọng rằng ý thức trách nhiệm sẽ giúp mang lại một thế giới an ninh hơn và mối quan hệ hợp tác hơn nữa giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, ông khẳng định Nga vẫn xem hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ đặt tại Đông Âu như là "mối nguy hiểm to lớn", và sẽ buộc phải phản ứng bằng cách tăng cường năng lực tấn công bằng tên lửa đạn đạo của nước này.

Riêng đối với châu Âu, Tổng thống Nga kêu gọi việc cải thiện mối quan hệ giữa hai bên. Cho đến nay, EU vẫn còn duy trì nhiều lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga vì sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea vào nước này, cũng như sự can thiệp của chính quyền Mát-xcơ-va vào cuộc khủng hoảng chính trị, an ninh tại Đông Ukraine.

HẢI NGUYỆT (Theo Reuters, CNN)

Chia sẻ bài viết