20/07/2009 - 22:05

Tổng thống Iran “tứ bề thọ địch”

Tổng thống Ahmadinejad (trái) và Phó Tổng thống Mashai trong một cuộc họp gần đây.
Ảnh: AP

Kênh truyền hình Press TV của Iran ngày 19-7 đưa tin Phó Tổng thống thứ nhất Esfandiar Rahim Mashai đã đệ đơn từ chức chỉ sau ba ngày được bổ nhiệm. Tuy nhiên, Tehran hiện chưa xác nhận về quyết định của ông Mashai và ông Mashai ngày 20-7 cũng đã bác bỏ thông tin này. Trong khi đó, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad vẫn đang chịu sự chỉ trích mạnh mẽ xung quanh việc bổ nhiệm ông Mashai, thông gia của ông. Điều đáng nói là những người chỉ trích cũng theo đường lối cứng rắn và từng ủng hộ ông Ahmadinejad trong cuộc bầu cử gây tranh cãi hôm 12-6.

Iran có 12 phó tổng thống, nhưng quan trọng nhất là phó tổng thống thứ nhất vì nhân vật này sẽ chủ trì các cuộc họp nội các trong trường hợp tổng thống vắng mặt. Việc bổ nhiệm ông Mashai làm các chính khách bảo thủ tức giận vì hồi năm 2008, trên cương vị là Phó Tổng thống phụ trách du lịch và di sản văn hóa, ông này từng nói rằng “Iran là bạn của tất cả mọi người trên thế giới, kể cả Israel”. Các nhân vật cứng rắn xem Israel là “kẻ thù không đội trời chung” với Iran và bản thân Tổng thống Ahmadinejad cũng nhiều lần kêu gọi hủy diệt nhà nước Do Thái. Ông Mashai cũng gây tức giận cho nhiều giáo sĩ Iran hồi năm 2007, khi tham dự một nghi lễ ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có màn trình diễn điệu nhảy truyền thống của phụ nữ (đạo Hồi cấm phụ nữ khiêu vũ). Năm 2008, ông Mashai gặp rắc rối lần nữa khi chủ trì một buổi lễ ở Tehran, mà ở đó có một vài phụ nữ chơi trống lục lạc trong khi một người khác mang kinh Koran lên bục để ngâm thơ. Hành động này bị chỉ trích là không tôn trọng kinh Koran.

Nghị sĩ theo đường lối cải cách Dariush Ghanbari mô tả việc bổ nhiệm ông Mashai là hành động “tuyên chiến” với Quốc hội, bởi trước đó các nghị sĩ đã yêu cầu tổng thống phải tham vấn họ về việc bổ nhiệm các thành viên nội các. Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani thì cho biết bị “sốc” khi nghe tin này. Một số nghị sĩ đề nghị chất vấn Tổng thống Ahmadinejad và yêu cầu lãnh đạo tối cao Ali Khamenei thay đổi việc bổ nhiệm. Tuy nhiên, ông Khamenei, người có tiếng nói sau cùng trong tất cả các vấn đề quốc gia ở Iran, đã bác bỏ lời kêu gọi tổng thống rút lại việc bổ nhiệm trên.

Trong khi đó, tại buổi thuyết pháp ở Đại học Tehran cuối tuần qua, cựu Tổng thống Ali Hashemi Rafsanjani đã lần đầu tiên công khai thách thức lãnh tụ tối cao Khamenei và các nhân vật ủng hộ Tổng thống Ahmadinejad, khi kích động những người ủng hộ phe đối lập tiếp tục biểu tình. Ngày 19-7, ông Rafsanjani còn đến thành phố Mashad để thảo luận với hai giáo sĩ Shiite đã từ chối chúc mừng thắng lợi của ông Ahmadinejad về cuộc khủng hoảng chính trị. Việc này làm phát sinh tin đồn rằng ông Rafsanjani đang xây dựng sự ủng hộ của các giáo sĩ cho phe đối lập.

Cũng trong ngày 19-7, một cựu tổng thống khác là Mohammad Khatami đã kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý về tính hợp pháp của chính phủ sau cuộc bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi. Dường như không có khả năng các nhà lãnh đạo cứng rắn của Iran chấp nhận trưng cầu dân ý, nhưng tuyên bố của ông Khatami được xem là thách thức đối với chính quyền Tehran.

Có thể thấy rằng Tổng thống Ahmadinejad đang “tứ bề thọ địch”, khi vừa đương đầu với sự phản đối của phe đối lập, vừa phải xử lý bất đồng nội bộ, trong khi sức ép bên ngoài ngày càng gia tăng về chương trình hạt nhân của nước này.

N.MINH (Theo NYT, AP, Guardian)

Tổng thống Ahmadinejad (trái) và Phó Tổng thống Mashai trong một cuộc họp gần đây. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết