09/11/2011 - 09:01

FESTIVAL LÚA GẠO VIỆT NAM LẦN II

Tôn vinh hạt ngọc Việt

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần (đứng bên trái) tham quan các gian giới thiệu sản phẩm gạo thơm Sóc Trăng. Ảnh: LÝ THEN

Hôm qua, 8-11-2011, Festival lúa gạo Việt Nam lần II-Sóc Trăng 2011 chính thức khai hội trong sự hân hoan chào đón của người dân Sóc Trăng cùng du khách gần xa, đặc biệt là nông dân trồng lúa và những người tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam. Đến với Festival lần này, không chỉ để tận hưởng không khí vui tươi háo hức của ngày hội lớn mà nhiều nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý... còn có chung một niềm vui khác. Đó là niềm tự hào về hạt gạo - “hạt ngọc Việt”...

* Rộn ràng ngày khai mạc

Không khí lễ hội đã trở nên tưng bừng khi nhiều hoạt động tại Festival lúa gạo Việt Nam lần II được diễn ra. Ngay từ sớm, khắp mọi nẻo đường ở TP Sóc Trăng, đã vang tiếng nói cười, tiếng xe cộ của người dân địa phương, bạn bè, quan khách trong nước và quốc tế tụ họp cùng chung vui trong ngày hội lớn. Con đường lúa gạo dài 1.200m trên đường Hùng Vương, “điểm nhấn” của Festival thu hút khách tham quan. Tất cả mọi người đều tỏ rõ niềm hân hoan, tự hào về vùng đất, về những con người tạo nên “hạt ngọc cho đời”, góp phần giúp Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Anh Lê Văn Kheo, nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, bày tỏ niềm phấn khởi: “Gia đình tôi đã bao đời làm ruộng! Đến đời tôi vẫn cứ tưởng hạt lúa mình làm ra chỉ phục vụ cho dân mình! Nào ngờ càng ngày nó lại “càng đi xa”. Chúng tôi, những nông dân trồng lúa “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” còn được vinh danh trong một lễ hội lớn”.

Hội chợ triển lãm là một trong những hoạt động chính tại Festival thu hút đông đảo khách tham quan ngay trong ngày đầu khai mạc. Dù những ngày qua, tại TP Sóc Trăng xuất hiện nhiều cơn mưa lớn nhưng không ngăn được mọi người đến với lễ hội. Ông Thạch Thương, ở xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Nghe Sóc Trăng đăng cai tổ chức Festival lúa gạo Việt lần II, tôi mừng lắm và đã háo hức chờ đón sự kiện này trong nhiều ngày nay. Trời mưa, đường sá rất khó đi nên tôi rời nhà từ rất sớm để có thể xem hết các hoạt động của Festival trong ngày khai mạc”. Theo ông Thạch Thương, sau khi xem khu triển lãm “Con đường lúa gạo Việt Nam”, ông mới biết sự đa dạng và đặc sắc của nền văn minh lúa nước và càng thêm yêu hạt gạo Việt. Nền văn minh lúa nước Việt Nam không chỉ có sự phát triển mạnh mẽ về giống lúa và các nông cụ phục vụ sản xuất qua các thời kỳ, mà còn rất đa dạng về các sản phẩm lúa gạo, với chất lượng ngày càng nâng cao... Khu triển lãm “Vinh danh hạt ngọc Việt” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Viện lúa ĐBSCL, Công ty IFA phối hợp thực hiện. Nơi đây trưng bày, giới thiệu các giống lúa ở Việt Nam, từ lúa hoang đến các giống lúa mùa, lúa lai; các mô hình trồng lúa của các vùng miền gắn với các giống lúa chịu khô hạn, chịu ngập, mặn... Đặc biệt, khu triển lãm còn giới thiệu các giống lúa đạt chuẩn xuất khẩu của các địa phương, giống lúa mới và các phương pháp canh tác hiện đại... đã góp phần nâng cao vị thế của lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế... Bà Trịnh Thị Lũy, Viện lúa ĐBSCL, cho biết: “Hàng trăm giống lúa của Việt Nam, kể cả các giống lúa hoang, lúa mùa hay các giống lúa cao sản và lúa mới phát triển lai tạo thêm gần đây, hầu hết đều được trưng bày, giới thiệu tại Festival. Triển lãm này sẽ giúp người dân và du khách gần xa có dịp hiểu thêm về cây lúa, hạt gạo Việt Nam...”.

Nhiều hoạt động trong khuôn khổ Festival lúa gạo Việt Nam lần II như: hội thi “Nông dân sản xuất lúa giỏi vùng ĐBSL”, triển lãm tác phẩm đạt giải hội thi nhiếp ảnh nghệ thuật với chủ đề “Cây lúa Việt Nam với biến đổi khí hậu toàn cầu”; lễ hội ẩm thực Việt Nam; khai mạc khu lễ hội đâm cốm dẹp-làng nghề cốm dẹp... chính thức khai mạc vào ngày 8-11. Các hoạt động này như khẳng định thêm vị thế của hạt gạo và càng tạo thêm không khí vui tươi, hào hứng cho ngày hội lúa gạo Việt Nam.

* Không chỉ là kỳ vọng

Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ II là cơ hội để bạn bè quốc tế và người dân trong nước nhận thức đúng đắn hơn, hiểu rõ hơn về lúa gạo, về các sản phẩm gạo Việt Nam. Festival không chỉ là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp gần gũi khách hàng và gắn kết nông dân với nhà khoa học, nhà quản lý để có định hướng phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng Ban Tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ II, cho rằng: Từ thế kỷ 19, Việt Nam đã xuất khẩu gạo đến Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Malaysia,... Thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, gạo thơm Việt Nam cũng được xuất khẩu từ miền Bắc qua Hồng Kông, sau đó vào Trung Quốc rồi tái xuất khẩu qua Nhật Bản nhưng chưa có thương hiệu. Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới. Thương hiệu Gạo Việt Nam bước đầu được quan tâm xây dựng và dần khẳng định được uy tín. Do đó, Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ II tổ chức tại Sóc Trăng sẽ góp phần tạo ra sự liên tưởng đầy thú vị và hấp dẫn về “Con đường lúa gạo Việt Nam” vươn ra thế giới. Trên hết, dịp này, những thành quả lao động của nông dân, trí thức và các doanh nhân kinh doanh lúa - gạo sẽ được ghi nhận, được tôn vinh. Và chắc chắn rằng thời gian tới, lực lượng này tiếp tục đồng lòng, xây dựng và khẳng định “thương hiệu Gạo Việt Nam” ở thị trường trong nước và quốc tế.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyền, Phó Phòng Kinh doanh, Công ty cổ phần Gentraco, cho biết: Thời gian qua, Gentraco đã liên kết với nông dân tại nhiều địa phương ở ĐBSCL để phát triển các loại gạo chất lượng cao, đưa đi tiêu thụ trong và ngoài nước với các thương hiệu như: gạo thơm “Cò Trắng”, “Miss Cần Thơ”, “Ngọc Đồng”, “Ngọc Đỏ”. Đến với Festial, Gentraco muốn đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm gạo cấp cao này. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Công ty Lương thực Bến Tre, cho biết: Tiềm năng tiêu thụ các loại gạo cấp cao và gạo được sản xuất theo các tiêu chuẩn “sạch”, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là rất lớn. Vì vậy, tại Festival, công ty quảng bá các sản phẩm gạo Một Bụi đỏ, gạo Nhỏ Hương... sản xuất theo qui trình “sạch” - mô hình công ty đang liên kết cùng nông dân tại các tỉnh vùng ven biển của Bến Tre sản xuất rất thành công... Ông Lâm Định Quốc, Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, cho biết: Tham gia Festival, công ty tập trung quảng bá thương hiệu các loại gạo thơm mang thương hiệu ST. Và để sản xuất lúa gạo thương hiệu ST theo hướng tập trung quy mô lớn, gắn với vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng đồng nhất..., thời gian tới, trên cơ sở hợp đồng bao tiêu với nông dân, công ty sẽ tiến hành xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại huyện Long Phú và Kế Sách vào năm 2012 với diện tích khoảng 10.000ha.

Đến với Festival, người dân, doanh nghiệp... ĐBSCL không chỉ kỳ vọng vào sự phát triển vượt bậc của hạt gạo Việt Nam mà còn gởi gắm những băn khoăn trăn trở. Ông Phạm Văn Dũng, ở ấp 4, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, bày tỏ: “Năm 2011, nông dân trồng lúa rất phấn khởi khi liên tục trúng mùa, trúng giá và đạt lợi nhuận trên 40 triệu đồng/ha. Điều này không có nghĩa các năm tới lúa gạo tiếp tục trúng giá. Vì vậy, tôi rất mong qua Festival này, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp sẽ gắn kết hơn với nông dân trong việc tìm ra giải pháp giúp ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững”. Ông Nguyễn Thọ Trí, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam, trăn trở: Sản xuất lúa gạo ở nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ, sử dụng nhiều giống lúa nên rất khó trong việc ổn định chất lượng và xây dựng thương hiệu. Thời gian tới doanh nghiệp và nông dân cần đẩy mạnh liên kết, lựa chọn giống ngon, sản xuất ra những sản phẩm gạo có chất lượng cao, ổn định gắn với thương hiệu. Mô hình cánh đồng mẫu chính là hướng liên kết, gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Mô hình này cũng giúp định vị việc sản xuất 1 giống lúa trên cánh đồng và phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý hơn giữa những tác nhân tham gia chuỗi giá trị lúa gạo...

NHÓM PV KINH TẾ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần (đứng bên trái) tham quan các gian giới thiệu sản phẩm gạo thơm Sóc Tr

Chia sẻ bài viết