Bút ký: ĐẶNG DUY KHÔI
Bà Ba Lăng năm nay đã 90 tuổi, một trong những người già nhất ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cũng không nhớ rõ làng nghề dệt chiếu ở đây có từ bao giờ. Bà chỉ nhớ từ tuổi thơ đã thấy mẹ dệt chiếu, ở đâu cũng gặp lác trắng, lác màu, đi cùng làng cuối xóm đều nghe tiếng cọc cạch của go dệt. Bây giờ, các con cháu của bà cũng sống bằng nghề chiếu.
Bà Ba Lăng nói: “Phải thương, có nghĩa có tình với nghề thì mới bền được”.
Nhà chị Lê Thị Mum, cháu ngoại bà Ba Lăng, rất tất bật. Chị sắp gả cô con gái thứ ba là Trương Minh Thư về xóm Chợ. Ngoài chuẩn bị đãi tiệc, mẹ con chị Mum tranh thủ dệt cho xong đôi chiếu bông để con gái trải phòng tân hôn. Lẽ ra công việc này là của nhà trai nhưng Minh Thư cứ đòi đôi chiếu do chính tay mẹ dệt như là “của hồi môn”.
 |
Phơi lác. |
Minh Thư năm nay 24 tuổi nhưng có thâm niên hơn chục năm làm nghề dệt chiếu. Thư yêu nghề lắm. Những công việc từ chẻ lác, mắc trân, dệt, chuồi... Thư đều làm được một cách khéo léo. Trước ngày vu quy, Thư nói với tôi: “Lấy chồng rồi, chắc phải nghỉ dệt chiếu, em buồn quá. Ở nhà chồng, em sẽ hướng dẫn mọi người dệt chiếu. Nghề 5 đời nhà em đó!”.
Hơn 15 năm trước, vợ chồng chị Mum sống bằng nghề bán ghe hàng. Nhưng căn bệnh tim đã khiến chồng chị bỏ ba mẹ con chị ra đi. Chị quyết định cùng ba con thơ “lên bờ” dệt chiếu.
Chị Mum là một trong những người dệt chiếu đẹp có tiếng ở Ngan Dừa. Chiếu mẹ con chị dệt ra dày dặn, hoa văn tinh xảo và bìa đều tăm tắp. Cũng nhờ đó mà cuộc sống bốn mẹ con qua cơn bỉ cực. Chị Mum nói: “Nhờ chiếc chiếu, cọng lác nuôi sống gia đình tôi đó. Ba đứa con cũng học hành tới nơi tới chốn. Thằng con trai út chuẩn bị vào đại học cũng nhờ tiền bán chiếu”.
Rời nhà chị Mum, tôi đem theo hình ảnh những người phụ nữ tỉ mẩn chuồi từng cọng lác mỏng manh, tiếng go dập cọc cạch đi dọc cái thị trấn vùng sâu của tỉnh Bạc Liêu này. Ở Ngan Dừa, không chỉ có dòng họ bà Ba Lăng mà những gia tộc khác như ông Chín Thành, bà Chín Diệp, ông Bảy Nhăn... đều có thâm niên hàng trăm năm gắn bó với nghề chiếu. Bà con nói rằng, vợ chồng ông Bảy ở ấp Thống Nhất dệt chiếu đến đôi tay nhăn nhó nên người ta gọi là Bảy Nhăn. Nhờ nghề chiếu mà vợ chồng ông đã nuôi 5 người con trở thành giáo viên, 1 kỹ sư hóa học. Tôi hỏi “nghề đau xương sống” này có gì làm bà con làng nghề mê đến vậy? Ai cũng nói rằng: “Mấy mùa thiếu lác, phải treo go hàng tháng trời mà lòng dạ ai cũng héo như cọng lác. Đi ra đi vào nhìn khung chiếu mà tặc lưỡi hoài”. Tôi cảm nhận được trong tâm khảm của người làng chiếu Ngan Dừa, với cái nghề đã nuôi sống bà con, là cái tình với chiếc chiếu quê hương.
***
Trong cái nắng nhẹ và cơn gió thoảng của một ngày cuối hạ, hình ảnh dọc hai bên đường trong thị trấn là những luống lác, quạt lác óng ánh trong nắng mới. Lác đủ màu trắng, xanh, đỏ, tím, vàng... rực rỡ một góc thị trấn. Hương lác mới chẻ còn kịp tỏa mùi ngào ngạt trong vạt tóc của cô nữ sinh trường THPT Ngan Dừa ngày khai trường. Và còn những đôi chiếu mới dệt xong được phơi dưới nắng với đủ hình: gia quy, hoa râm, chiếu trắng... như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, một bức sơn mài nhiều màu sắc mà những người thợ dệt là những nghệ sĩ tài hoa.
Nếu thấy cọng lác chẻ năm chỉ hơn sợi chỉ cắm câu đôi chút mà bà con miệt mài dệt thành chiếc chiếu dài 2 thước, nhiều người không khỏi trầm trồ. Có chứng kiến hết các công đoạn làm ra một đôi chiếu thì mới thấy hết sự gian nan của nghề. Lác mua bó về phải ngồi chẻ. Nếu bạn là người “nghiệp dư”, lấy lác chẻ, chắc rằng bạn sẽ bị lãi, đứt ngang cọng lác. Nhưng với bà con làng nghề, một cây dao nhỏ bà con chẻ một lần 5-6, thậm chí 7-8 cọng lác nhưng vẫn đều tăm tắp, không bị dứt một cọng nào. Lác chẻ xong được phơi khô. Tùy nhu cầu chiếu trắng hay chiếu màu mà bà con nhuộm cho phù hợp. Người ta nói rằng có lẽ do đất, nước ở Ngan Dừa trong lành nên cọng lác chẻ ra trắng ngần, dệt chiếu rất đẹp.
Một ngày, một người thạo nghề ở làng chiếu Ngan Dừa có thể dệt từ 4 đến 5 đôi chiếu chợ (chiếu hàng) hoặc 2 đôi chiếu đặt (chiếu có chất lượng tốt, dày dặn và kín kẽ hơn). Nhưng để lẫy một đôi chiếu bông có chữ “Trăm năm hạnh phúc”, “Vu quy” hay chữ “Song hỷ” thì phải mất 2, 3 ngày ròng rã. Ai đó đã liên tưởng người dệt chiếu với những nghệ sĩ ảo thuật. Khoảng cách giữa hai đường trân chưa đầy lóng tay nhưng người chuồi vẫn cứ đẩy chân chùi vào ra tăm tắp. Còn người dệt thì cứ thoăn thoắt dập, úp, ngửa thân go rồi xoay trái, xoay phải bẻ bìa trong sự thích thú của người xem.
***
Hơn trăm năm sống, gắn bó với nghề, dường như tiếng cọc cạch, sột soạt của chân chuồi, go dệt đã thấm vào máu của mỗi người làng nghề. Không chỉ vậy, tiếng go còn là tiếng lòng gắn kết bà con lại với nhau. Ông Chín Thành, 79 tuổi, một người làm nghề lâu năm ở Ngan Dừa kể rằng, trong nghề dệt chiếu, chỉ có chuyện phát lác là không có phụ nữ - đó là công việc của đàn ông. Gần 20 chục năm về trước, hễ lác tới lứa là 3-4 giờ sáng ấp Thống Nhất của ông đã sáng đèn, rộn ràng tiếng những người đàn ông rủ nhau đi phát lác. Ai cũng cầm cái ấm đựng nước uống, cái nồi giở cơm trưa, đi phát vần công cho nhau. Đến khi hừng đông thì những người phụ nữ ra đồng giũ lác, chọn những cọng lác đủ tiêu chuẩn bó thành bó. Cũng là chuyện vần công. Dường như bà con làng nghề đã quen nếp sống san sẻ. Chẻ lác, dệt chiếu bà con cũng vần công “như cơm bữa”. Những giờ giải lao những người đàn ông cởi trần, đầu quấn khăn rằn ngồi bờ mẫu kéo hơi thuốc gò, kể chuyện làm ăn, sinh kế. Còn những người phụ nữ vừa dệt chiếu vừa bàn cách làm sao để chiếu Ngan Dừa thêm đẹp, thêm êm. Ông Chín Thành kể, mỗi lần ngồi nghỉ là ông tức cảnh ca lên mấy câu vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu, nhưng lại hát: “Hò... ơ... chiếu... Ngan Dừa nhuộm màu tươi thắm. Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu...” để làm vui những giờ lao động.
Ở làng chiếu Ngan Dừa, bao đời nay dường như rất hiếm chuyện xích mích trong mua bán, làm ăn mà bà con hỗ trợ nhau hết lòng. Lối sống chơn chất, nghĩa tình như cọng lạc sợi trân được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
***
Ông Lâm Văn Tẻn, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Ngan Dừa, nói rằng, làng chiếu Ngan Dừa hiện nay đang phát triển phát mạnh, tập trung nhất là ở ấp Thống Nhất. Toàn thị trấn có khoảng 15 dòng tộc với hàng trăm hộ chuyên sống bằng nghề làm chiếu. Chiếc chiếu đã mang lại cơm gạo và cuộc sống ấm no cho bà con. Bà con ở Ngan Dừa vẫn còn nhớ như in cái thời cách đây vài chục năm, muốn bán chiếu, bà con gom lại đầy một ghe bầu rồi chèo rỉ rả vào các kinh rạch để bán một đôi không đổi đủ chục lít gạo.
Hiện nay, chiếu sản xuất không đủ bán, thương lái đến tận nhà thu mua. Một đôi chiếu trắng giá khoảng 120 ngàn, trừ chi phí và công sức còn lãi khoảng 40 ngàn. Dẫu thu nhập không quá cao nhưng khá ổn định. Ông Lâm Văn Tẻn khoe: “Ngoài nghề rèn, nghề chiếu là nghề “xóa đói giảm nghèo” hiệu quả ở thị trấn. Vì nghề này không cần vốn nhiều, chỉ cần bỏ công làm lời”. Rất nhiều gia đình ở Ngan Dừa đã cất nhà tường, mua xe gắn máy “xịn”, sắm sửa tiện nghi đầy đủ cũng nhờ đôi chiếu. Dẫu vẫn còn nhọc nhằn, bàn tay các bà các chị vẫn chai sạn dần theo năm tháng vì lác, vì trân nhưng chiếu đã biết trả công người, mang đến cuộc sống tươm tất cho bà con. Ông Tẻn còn cho biết, UBND thị trấn đang lên kế hoạch thành lập Hợp tác xã làng nghề dệt chiếu để dần tiến tới được công nhận làng nghề truyền thống. Đó sẽ là động lực để chiếu Ngan Dừa vươn xa hơn.
Ở làng nghề chiếu Ngan Dừa, bà con không hề sử dụng máy móc trong các khâu với mong muốn giữ nguyên cái hồn, cái đẹp của thương hiệu chiếu Ngan Dừa. Nhiều bà con khoe với tôi: “Gặp chiếu bất cứ nơi đâu, hễ liếc sơ là biết phải chiếu Ngan Dừa không rồi”. Chiếu Ngan Dừa bìa bẻ bằng tay chứ không phải viền vải, lác trắng ngần, bóng bẩy như tấm lụa thiên nhiên, dày dặn như tấm lòng người thợ dệt.
Một lần đến với Ngan Dừa, bạn hãy cùng tôi ăn dĩa bánh tằm Ngan Dừa trứ danh, dai béo đến lạ lùng; ngắm đôi tay những người đàn ông lưng trần dũng mãnh đập thập thình “trên đe dưới búa” để làm nên dao Ngan Dừa nổi tiếng. Và đừng quên tìm dịp ngã lưng xuống bộ ván nhà ai đó có trải chiếc chiếu hoa râm để cảm nhận sự êm ái, nhẹ nhàng mà thanh thản đến vô ngần. Để rồi khi chia tay mảnh đất này, bạn sẽ cầm lòng không đậu mà vác về đôi chiếu Ngan Dừa.
***
Về Ngan Dừa để nghe những thanh âm vui tai của nghề dệt chiếu, nghe những người thợ dệt thổn thức chuyện đời, chuyện nghề. Như dòng sông Ngan Dừa vẫn ồ ạt chảy xuôi, những con người nơi đây lại nối tiếp đời này qua đời khác làm nghề.
Bà Ba Lăng bắc cái ghế đẩu ngồi cạnh khung dệt mà cô cháu ngoại đang dệt, miệng mỏm mẻm nhai trầu, thoáng chốc lại nhắc: “Dập mạnh lên con, đừng dệt dối!”. Bà nói với tôi: “Vậy đó, làm nghề phải quý trọng nghề thì làm ăn mới đặng”.