 |
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe hậu phẫu cho bệnh nhân lõm ngực.
Ảnh: T. SƯƠNG |
Hiện nay, bệnh nhân lõm ngực không cần tốn kém chi phí lên tuyến trên để phẫu thuật, bởi mới đây, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ thực hiện thành công kỹ thuật này đối với 2 bệnh nhân. Đây là kỹ thuật cuối cùng trong chuỗi phẫu thuật lồng ngực được ê kíp bác sĩ khoa ngoại tổng hợp thực hiện hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị bệnh cho người dân vùng ĐBSCL. Bác sĩ CKII Phạm Văn Phương, Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp có một vài lưu ý về kỹ thuật này:
Bệnh lõm ngực là loại bệnh gây biến dạng lồng ngực, lồng ngực bị lõm vào trong ở phía trước. Cơ chế gây bệnh là do tăng sản quá mức các sụn sườn trong quá trình phát triển của trẻ, đẩy xương ức lõm vào trong lồng ngực. Đối tượng bị lõm ngực có thể do bẩm sinh hoặc khởi phát vào tuổi dậy thì nhưng đa số trường hợp lõm ngực bẩm sinh. Dị tật lõm ngực không tự khỏi, mức độ lõm ngực có thể diễn tiến tùy thể trạng và tăng nhanh ở giai đoạn dậy thì. Tùy mức độ quá sản của sụn sườn, đẩy xương ức xuống phía dưới nhiều chừng nào thì mức độ lõm càng nặng chừng ấy, đẩy tim lệch sang một bên và chiếm lồng ngực, dẫn đến nguy cơ bị suy tim, suy hô hấp. Có thể dễ dàng nhận biết bệnh nhân bị lõm ngực qua thăm khám bên ngoài. Em Nguyễn Hoàng K. (18 tuổi, ở quận Ninh Kiều) cho biết: “Mỗi lần vận động cùng bạn bè, em thường mau mệt, khó thở, có cảm giác khó chịu. Em mong sau khi phẫu thuật, lồng ngực sẽ như người bình thường”. Bệnh nhân Hoàng K. là một trong hai bệnh nhân được phẫu thuật nâng lõm ngực thành công đầu tiên vùng ĐBSCL, do ê kíp bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp thực hiện.
Một trong những nguyên nhân gây bệnh ghi nhận là do yếu tố di truyền. Bác sĩ Phạm Văn Phương cho biết, khoảng 35% bệnh nhân lõm ngực có người thân mắc bệnh này. Theo một số nghiên cứu trên thế giới, từ 300 đến 400 trẻ thì có 1 trẻ bị dị tật. Phẫu thuật lõm ngực trải qua quá trình phát triển. Thời xưa, bệnh nhân bị lõm ngực được đặt một cái chuông để tạo tác động kéo xương ức trở lại bình thường, nhưng biện pháp này dường như không hiệu quả. Tiếp theo là phương pháp phẫu thuật của Ravitch, xẻ dọc, cắt các sụn tăng sản của xương sườn và cố định xương ức ở vị trí bình thường. Các sụn sườn sau đó sẽ phát triển theo các màng sụn để lại và tạo khung mới giữ xương ức ở vị trí được chỉnh sửa và cố định. Phương pháp này chủ yếu tính đến hiệu quả điều trị, nhằm hỗ trợ đối với những trường hợp ngực lõm sâu quá, dẫn đến suy hô hấp, suy tim. Tuy nhiên đây là cuộc phẫu thuật lớn, nguy cơ nhiễm trùng cao, đặc biệt thiếu thẩm mỹ. Đến năm 1987, Donald Nuss sáng tạo phương pháp phẫu thuật mới ít xâm lấn, rạch hai đường nhỏ, luồn xuyên 1 hoặc 2 thanh kim loại qua ngực, tùy theo mức độ lõm của ngực để nâng phần ngực lõm. Phẫu thuật này được thực hiện dưới hỗ trợ của máy nội soi. Phẫu thuật này có nhiều ưu điểm là ít xâm lấn, ít tàn phá, thời gian phẫu thuật nhanh, bệnh nhân mau hồi phục, sớm hòa nhập cuộc sống. Bệnh nhân nằm viện trong 1 tuần và có thể sinh hoạt, vận động bình thường sau 2 tuần.
Một vài biến chứng cần lưu ý đối với phẫu thuật lõm ngực là tràn khí màng phổi, tụ dịch vết mổ, di lệch thanh kim loại, thủng tim nếu cuộc phẫu thuật không được kiểm soát qua nội soi. Ngoài ra, nguy hiểm là biến chứng nhiễm trùng vết mổ nên cần chăm sóc bệnh nhân kỹ lưỡng trong tuần đầu tiên, tránh tiếp xúc nguồn lây. Ngoài ra, còn có biến chứng xê dịch thanh kim loại. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi, thăm khám định kỳ. Đến 2 năm, lồng ngực được cố định, có thể lấy thanh kim loại khỏi cơ thể.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Phương khuyến cáo chỉ định phẫu thuật đối với bệnh nhân lõm ngực: Lõm ngực nếu không điều trị tùy theo mức độ sẽ gây các vấn đề đau do biến dạng xương, căng cơ hoặc chèn ép tim, phổi, ảnh hưởng hoạt động thể lực bệnh nhân. Ngoài ra, tâm lý mặc cảm với hình thức dị dạng có thể ảnh hưởng tâm sinh lý khiến trẻ thiếu tự tin. Do đó, chỉ định phẫu thuật dựa vào triệu chứng mệt khi vận động gắng sức, dấu hiệu đẩy lệch tim và yêu cầu về thẩm mỹ của bệnh nhân. Từ 8 12 tuổi phẫu thuật là thích hợp nhất. Tuy nhiên, bệnh nhân 25 30 tuổi vẫn có thể phẫu thuật hiệu quả.
THU SƯƠNG (lược ghi)