12/06/2013 - 20:40

Đọc “Cô dâu trong thung”

Tin vào những điều tốt đẹp

6 truyện ngắn trong tập truyện "Cô dâu trong thung" toát lên cái nhìn nhân hậu của nhà văn Viễn Dương trước số phận của những đứa trẻ mồ côi, bệnh tật, bị cha mẹ bỏ rơi… Tập truyện khắc họa niềm tin về những điều tốt đẹp sẽ đến trong đời.

Sách do NXB Trẻ phát hành tháng 5 năm 2013.

 

6 truyện ngắn trong cuốn sách có bối cảnh ở một làng quê nghèo hoặc một xóm nhỏ nằm cách xa trung tâm thành phố. Nơi đó, những đứa trẻ nhà nghèo, mồ côi cha mẹ, hoặc bị tật nguyền… luôn khao khát có được một cuộc sống êm ấm, đầy đủ. Cô bé Lường ngày ngày theo mẹ đi dọn rác ở khắp các chợ huyện kiếm sống trong truyện "Con chuột không hang". Nghèo khó, phải sớm lao động nặng nhọc từ nhỏ nhưng Lường vẫn không mất đi sự trong trẻo, ngây thơ - cô bé vẫn luôn suy nghĩ tích cực về tương lai với lòng tin rồi cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn. Truyện "Hoàng tử bãi biển" kể về một cậu bé không cha, có tên rất đẹp - Hoàng Tử. Hoàng Tử tính tình khù khờ, ngày ngày em lang thang dọc bãi biển, cảng cá với dáng vẻ cô độc… Ít ai biết được rằng đằng sau dáng dấp gầy nhom, rách rưới ấy là một tâm hồn trong sáng luôn tràn ngập giấc mơ trở thành "một chàng hoàng tử sân cỏ" hoặc một "anh cao bồi Viễn Tây" oai phong mạnh mẽ, có cuộc sống tự do, bình lặng và hiện tại là mong muốn "trở thành một thằng con trai có công ăn việc làm tử tế mà người mẹ có thể tin cậy và nương tựa"(trang 58).

Tập truyện còn toát lên niềm cảm thương sâu sắc đối với những đứa trẻ sinh ra trong gia đình đổ vỡ, trở thành nạn nhân của sự oán hận, lòng ích kỷ của những người lớn… Cô bé Hoa sống bên cạnh người cha vô tâm ở truyện "Đôi tay buốt giá". Mỗi ngày, Hoa bị cha bắt phải đứng bên vệ đường bất kể mưa hay nắng chỉ để chờ đợi sự xuất hiện của người mẹ đã bỏ cha con cô bé ra đi. Để rồi một ngày kia, ở góc đường ấy, người ta không còn nhìn thấy đứa trẻ thường "úp khuôn mặt đỏ bừng ràn rụa nước mắt vào lòng bàn tay buốt giá, ho gập cả tấm lưng bé bỏng mà người cha vô tâm vẫn không hề hay biết về những cơn sốt đang dần tước đi mạng sống của con mình" (trang 86). Cũng nói về một đứa trẻ sống trong gia đình đổ vỡ, nhưng truyện ngắn "Nụ cười rực rỡ" lại có một cái kết viên mãn. Lòng oán hận vợ của người đàn ông cuối cùng đã được hóa giải bởi sự chăm sóc chu đáo của đứa con gái nhỏ. Truyện đã nói lên được tâm tư, mong muốn của tác giả: Người lớn đừng nên ích kỷ để trẻ con có được một cuộc sống êm đềm, trọn vẹn tuổi thơ ngây.

Hai truyện ngắn còn lại "Cô dâu trong thung" và "Bảy đôi môi đỏ như son" có cùng một chủ đề, đều nói về số phận của những cô gái nghèo. Nhân vật chính trong 2 câu chuyện có nhiều nét tương đồng nhau, cả hai đều đảm đang, giàu tình cảm, biết hy sinh bản thân để chăm lo cho gia đình. Trong đó, truyện "Cô dâu trong thung" làm độc giả xúc động hơn hết bởi số phận hẩm hiu của Nụ - cô gái mù mồ côi cha mẹ, chấp nhận lấy một người chồng ngơ ngẩn, xa xứ để bớt đi gánh nặng cho gia đình. Cảnh đưa dâu ở cuối truyện man mác buồn, nhưng "nét mặt phẳng lặng" và "sự dịu dàng vốn có" của Nụ đã toát lên được sự vững chãi trong tâm hồn, làm người ta cảm nhận được rằng cô gái trẻ có thể đứng vững trước mọi hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt nhất.

Văn phong nhẹ nhàng, giàu cảm xúc của tập truyện là niềm tin và khao khát về những điều tốt đẹp sẽ đến trong đời… mang lại cho độc giả cảm giác nhẹ nhàng, ấm áp.

THẢO YÊN

Chia sẻ bài viết