12/05/2013 - 20:43

Tín hiệu lạc quan từ những phiên chợ hàng Việt

Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau thu hút đông đảo người dân đến tham quan,
mua sắm...

Chương trình đưa “Hàng Việt về nông thôn” đã thực sự mang nhiều ý nghĩa không chỉ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt mà còn giúp người tiêu dùng tiếp cận nguồn hàng có chất lượng cao với giá bán ưu đãi từ các nhà sản xuất trong nước. Qua đó, chương trình đã xây dựng được niềm tin và văn hóa ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt cho người tiêu dùng nông thôn, góp phần đẩy lùi hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang bày bán tràn lan trên thị trường.

Những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” đã được người dân hưởng ứng tích cực. Nhiều phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” được tổ chức thành công với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, thu hút hàng ngàn lượt người dân đến tham quan, mua sắm trong suốt những ngày diễn ra phiên chợ. Cũng từ các phiên chợ này, phần lớn người dân chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng, ưu tiên mua sắm hàng Việt.

Tại phiên chợ Hàng Việt về nông thôn lần thứ 102 được tổ chức tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, nhiều tiểu thương tại chợ Thới Bình nhận định: Hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng được nâng cao về chất lượng, mẫu mã và giá cả hợp lý nên được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng nhiều. Chị Quách Kim Uôn, chủ cửa hàng kinh doanh hàng tạp hóa tại chợ Thới Bình, huyện Thới Bình, nhận định: Nhiều người tiêu dùng có tâm lý e dè trước hàng Trung Quốc phẩm cấp thấp được bày bán tại các chợ. Đặc biệt, khi lựa chọn mua sắm hàng hóa, nhiều người khá cẩn thận và luôn cảnh giác trước hàng giá rẻ không có xuất xứ rõ ràng… Người tiêu dùng đã không còn tư tưởng hàng Việt lép vế trước hàng Trung Quốc về chất lượng. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường tại vùng nông thôn. Hiện hàng hóa được bày bán tại cửa hàng Uôn Tài có hơn 80% là hàng Việt. Theo chị Quách Kim Uôn, người tiêu dùng nông thôn không chỉ loại bỏ hàng Trung Quốc do chất lượng không đảm bảo an toàn cho người sử dụng mà trong bối cảnh kinh tế khó khăn thay vì bỏ tiền để mua các sản phẩm ngoại giá cao, nhiều người có xu hướng lựa chọn các sản phẩm Việt chất lượng cao để thay thế. Các mặt hàng như: bột giặt Lix hay Surf, cà-phê Việt hay các loại sữa Việt Nam sản xuất, nước mắm, nước tương của các thương hiệu Việt… luôn là lựa chọn hàng đầu của nhiều bà nội trợ vùng nông thôn. Với những thuận lợi trên, hiện lượng hàng Việt chiếm khoảng 80% tại các chợ huyện, chợ truyền thống.

Chị Đỗ Thị Bé Hai, ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, cho biết: Ra các chợ lớn hoặc nhỏ trong huyện Thới Bình, hàng Việt được bày bán khá phong phú từ hàng thực phẩm đến các mặt hàng gia dụng. Nhiều loại đồ dùng thiết yếu như: xà bông, nước rửa chén, bếp gas, đường, nước tương, nước mắm, dầu ăn… của thương hiệu Việt đều được dán nhãn mác rõ ràng, mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt, giá cả vừa túi tiền của người dân. Chị Nguyễn Ngọc Giàu, ngụ khóm 8, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, cho biết: Đến tham gia phiên chợ Hàng Việt về nông thôn tại huyện Thới Bình, các mặt hàng hóa mỹ phẩm, may mặc hay nhựa gia dụng được cải thiện rõ nét về chất lượng, kiểu dáng, thiết kế đẹp và bắt mắt hơn so với lần trước. Điều quan trọng hơn, đến với phiên chợ, người tiêu dùng được tận mắt nhìn thấy và cảm nhận thực sự chất lượng của sản phẩm Việt thông qua sự hướng dẫn dùng thử sản phẩm từ nhà sản xuất. Nhiều doanh nghiệp còn còn tổ chức đội ngũ nhân viên tư vấn, hướng dẫn và giải thích tính năng của sản phẩm Việt nhằm giúp người tiêu dùng hiểu và tin dùng hàng Việt. Ngoài ra, doanh nghiệp còn thực hiện các chương trình khuyến mãi, bán hàng với giá ưu đãi để thu hút sự quan tâm của người dân địa phương. Chính vì vậy, người tiêu dùng ở nông thôn đã dần dần thấy được sự đa dạng của hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời, tiếp cận được nhiều thông tin về chất lượng và ưu thế của hàng Việt để có thể so sánh hoặc đánh giá về chất lượng hàng Việt so với hàng ngoại, hàng nhập lậu… đang được bày bán tại địa phương.

Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn với sự tham gia của nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng, bán sản phẩm với giá ưu đãi kèm theo khuyến mãi đã thu hút đông đảo người dân vùng nông thôn đến tham quan và mua sắm. Anh Võ Thành Ân, Quản lý kinh doanh khu vực miền Tây, Công ty Tân Quang Minh (Bidrico), cho biết: Qua các phiên chợ, số lượng đại lý và cửa hàng chuyên bán nước ngọt của Bidrico không ngừng được mở rộng. Thời gian gần đây, doanh số bán hàng tại các phiên chợ tăng liên tục. Tham gia phiên chợ tại huyện Thới Bình, Bidrico có khá nhiều lợi thế là có 2 nhà phân phối lớn như: Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau và nhà phân phối Phát Đạt nên sản phẩm của Bidrico được người dân biết đến nhiều. Ngoài ra, huyện Thới Bình còn có nhiều điều kiện thuận lợi về đường bộ lẫn đường thủy nên hàng của Bidrico được tiếp cận và quảng bá đến các xã vùng sâu, vùng xa thuận tiện.

Hiện nay, tại thị trường nông thôn, hàng Việt Nam đã và đang có vị trí khá vững chắc trong nhận thức của người dân. Song thực tế hàng trong nước đã và đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa nhập lậu, giá rẻ… Do đó, để hàng Việt Nam trụ vững tại thị trường nông thôn, đòi hỏi các doanh nghiệp tổ chức các sự kiện quảng bá, tiếp thị sâu rộng để hàng chất lượng cao được phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường và cải tiến sản xuất đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng để tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm mới hay dịch vụ mới nhằm nâng cao vị thế của hàng Việt tại thị trường nông thôn. Song song đó, để hàng Việt phát triển lâu dài và bền vững tại thị trường nông thôn, việc quản lý chặt chẽ chất lượng hàng hóa từ các ngành chức năng tại các địa phương nhằm ngăn chặn kịp thời hàng lậu, hàng giả, nhái, hàng không xuất xứ… bày bán tại các chợ huyện hay truyền thống.

Bài, ảnh: M.Hoa

 

Chia sẻ bài viết