26/04/2014 - 22:16

Tìm kiếm MH370 hé lộ điểm yếu quân sự của Trung Quốc

Tàu tuần tra Hải Tuần của Trung Quốc tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích MH370.

Khi tàu tiếp tế Thiên Đảo Hồ của hải quân Trung Quốc cập cảng Albany của Úc để tiếp nhiên liệu cho các tàu chiến đang hỗ trợ tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia, nó làm lộ rõ một vấn đề hóc búa về chiến lược của Bắc Kinh - thiếu các căn cứ quân sự ở ngoài khơi cũng như cảng biển thân thiện có thể nhờ cậy khi cấp bách.

Thiếu sót lớn trong hệ thống hậu cần quân sự hiện hành

Theo các nhà phân tích Trung Quốc và các tùy viên quân sự trong khu vực, việc Bắc Kinh triển khai 18 tàu chiến, một số tàu tuần duyên nhỏ, một tàu chở hàng và một tàu phá băng Nam Cực để tìm kiếm máy bay MH370 đã gây áp lực lớn cho hệ thống tiếp tế và hậu cần của lực lượng hải quân. Các nhà hoạch định của hải quân Trung Quốc biết rằng họ sẽ phải lấp khoảng trống chiến lược này để đáp ứng mong muốn của Bắc Kinh là gầy dựng một lực lượng hải quân hoàn chỉnh vào năm 2050. Quan trọng hơn là Trung Quốc còn muốn thách thức sự thống lĩnh hải quân của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương cũng như bảo vệ lợi ích chiến lược của mình ở Ấn Độ Dương và Trung Đông.

Theo Reuters, Mỹ đã xây dựng được một mạng lưới căn cứ quân sự hoàn chỉnh rộng khắp (ở Nhật Bản, đảo Guam và Diego Garcia – rạn san hô vòng ở Ấn Độ Dương). Mạng lưới này được hậu thuẫn bởi các liên minh an ninh cũng như những thỏa thuận neo đậu và sửa chữa ký kết với các đối tác, gồm các cảng chiến lược ở Singapore và Malaysia. Trong khi đó, căn cứ quân sự quan trọng nhất của Trung Quốc nằm ở tận đảo Hải Nam, cách xa nơi tàu chiến Trung Quốc tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích tới 3.000 hải lý.

Các tùy viên quân sự cho rằng việc cập cảng nước ngoài tương đối dễ dàng trong các hoạt động nhân đạo thời bình, như tìm kiếm máy bay MH370 hoặc trong các cuộc tuần tra chống hải tặc, nhưng những lúc căng thẳng hay xung đột thì lại là chuyện khác. "Nếu có căng thẳng thực sự và nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và một đồng minh của Mỹ ở Đông Á, khó mà tưởng tượng ra cảnh tàu chiến Trung Quốc được phép cập cảng Úc để tiếp tế", một nhà phân tích tại Bắc Kinh chuyên quan sát sự phát triển của hải quân Trung Quốc cho biết.

"Khi tham vọng quân sự của Trung Quốc tăng lên, họ sẽ muốn có các thỏa thuận hợp tác (sử dụng cảng) giống như Mỹ" – theo Ian Storey, một chuyên gia về an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore. Tuy nhiên, "tôi hơi ngạc nhiên khi không thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ họ đã khởi động các cuộc thảo luận về việc lui tới cảng biển lâu dài. Đó là một thiếu sót rõ ràng", ông nói thêm.

Khó tiếp cận cảng biển nước ngoài trong tương lai gần

Các nhà phân tích và quan chức Trung Quốc lâu nay một mực phủ nhận suy đoán của các đồng nghiệp phương Tây và Ấn Độ rằng Bắc Kinh đang cố tạo ra cái gọi là "chuỗi ngọc trai", bằng cách tài trợ phát triển cảng biển khắp Ấn Độ Dương, bao gồm Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar. Theo các nhà phân tích Trung Quốc, các cảng này sẽ không bao giờ phát triển thành căn cứ của Trung Quốc, bởi ngay cả các thỏa thuận ra vào cảng dài hạn với các nước nói trên cũng cần phải được xem xét dựa trên nguy cơ bất ổn chính trị và lòng tin chiến lược. Ông Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho biết các nhà phân tích chiến lược cũng đang ngày càng nghi ngờ về giả thuyết "chuỗi ngọc trai" này.

Zha Daojiong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho biết những năm gần đây, hải quân Trung Quốc đã có nhiều chuyến thăm hữu nghị đến các cảng từ châu Á và Thái Bình Dương tới Trung Đông và Địa Trung Hải, song các cuộc thảo luận về việc sử dụng cảng dài hạn tại những khu vực này thì vẫn chưa có. Ông cho rằng đến lúc nào đó, Trung Quốc sẽ phải vạch ra lộ trình để tiến tới những thỏa thuận như vậy, nhưng có lẽ không phải là lúc này bởi vấn đề có liên quan đến nhiều chuyện nhạy cảm.

Khả năng Trung Quốc thiết lập hệ thống quân cảng "gần nhà" càng không khả thi, khi nước này đang tranh chấp lãnh hải với nhiều nước ở biển Đông, bao gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Theo Richard Bitzinger, nhà phân tích quân sự khu vực tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, những bãi đá ngầm và đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép cũng không đủ lớn để nước này xây dựng một quân cảng thực thụ.

Có thể nói, mặc dù Trung Quốc đã tăng cường đầu tư và phát triển lực lượng hải quân, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng phải mất một thập kỷ hoặc lâu hơn nước này mới có thể bảo vệ các tuyến đường biển quan trọng và họ vẫn sẽ phụ thuộc vào Mỹ trong việc bảo đảm an toàn cho các chuyến hàng đi qua những nơi nhiều rủi ro, như eo biển Hormuz dẫn đến Vùng Vịnh.

THANH TRÚC

Chia sẻ bài viết