05/12/2021 - 06:27

Tìm giải pháp vượt qua khó khăn 

Trong gần 2 năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19, ngành xuất bản thế giới chịu nhiều thiệt hại cả về số lượng sách đầu vào lẫn đầu ra và hiện vẫn đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp phục hồi.

Cửa hàng sách trở nên vắng khách hơn do tác động từ COVID-19.

Cửa hàng sách trở nên vắng khách hơn do tác động từ COVID-19.

Sụt giảm về doanh thu do dịch COVID-19 là không thể tránh khỏi đối với ngành xuất bản, nhưng điều đáng lo ngại hơn là sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng. Bởi sự đứt gãy này sẽ gây hậu quả lâu dài, nếu không khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến sự trì trệ, thậm chí nhiều đơn vị sẽ biến mất. Do đó, nhiều nước đang nỗ lực phối hợp tìm giải pháp nhằm giúp ngành xuất bản vượt qua khó khăn.

Một trong những giải pháp thường được các nước áp dụng là tăng cường kết nối thông tin trong ngành. Điều này có thể hỗ trợ ngành xuất bản kịp thời nắm bắt được tình hình để có những giải pháp phù hợp theo từng thời điểm. Ban điều hành Hiệp hội xuất bản Úc thường xuyên họp trực tuyến, thảo luận về tác động của đại dịch đối với ngành xuất bản và cập nhật hoạt động xuất bản, phát hành tới các thành viên của hiệp hội; đồng thời cập nhật thường xuyên tình hình từ các nhà bán lẻ và khả năng cung cấp sách của nhà phát hành. Tương tự, Hiệp hội xuất bản Canada cũng tăng cường sự kết nối thông tin đến các thành viên. Theo đó, giới xuất bản Canada lập danh mục hiệu sách độc lập để hỗ trợ việc bán hàng, tiến hành khảo sát từng thành viên để xác định những thiệt hại của các đơn vị. Hiệp hội xuất bản Đức thường xuyên có các hội nghị trực tuyến để thảo luận phương pháp nhằm duy trì hoạt động, đồng thời cập nhật hàng tuần về doanh số bán sách khi các hiệu sách mở cửa trở lại.

Một số nước khác cũng đưa ra những chính sách và giải pháp hành động cụ thể. Ví như New Zealand lập Liên minh sách - tổ chức điều phối các nhà phát hành, tác giả và lễ hội văn học của New Zealand, nhằm đưa ra những sáng kiến, thúc đẩy văn hóa đọc, hỗ trợ sự phát triển, khả năng tồn tại của ngành sách. Còn tại Anh, ngành xuất bản lập đường dây hỗ trợ kinh doanh, giúp tư vấn miễn phí cho các nhà xuất bản, phát hành về luật, thông tin việc làm, thuế… Các doanh nghiệp xuất bản Mỹ được hỗ trợ tiếp cận chương trình PPP (Paycheck Protection Program - chương trình hỗ trợ cho vay để giúp các doanh nghiệp). Nhờ đó, các nhà xuất bản nhỏ vẫn có thể duy trì hoạt động.

Một trong những giải pháp hiệu quả mà ngành xuất bản ở các nước đang tập trung trong giai đoạn hiện nay là vận động chính sách hỗ trợ ngành sách. Theo đó, Hiệp hội xuất bản Bỉ đã vận động chính phủ lập quỹ hỗ trợ 56 triệu USD cho ngành sách. Tại Đức, chính phủ cũng có một gói kích cầu, chương trình hỗ trợ 54 tỉ USD cho lĩnh vực văn hóa, sáng tạo và truyền thông, bao gồm cả xuất bản. Ngoài ra, chương trình Neustart Kultur của Đức cũng dành 30 triệu Euro hỗ trợ cho ngành sách. Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất thành lập quỹ khẩn cấp trị giá 273.000 USD để trợ giúp cho 19 nhà xuất bản bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Mỹ xây dựng liên minh cấp liên bang, tiểu bang để hỗ trợ các thành phần trong hệ thống xuất bản. Các liên minh này đã vận động Quốc hội Mỹ dành 2 tỉ USD hỗ trợ khẩn cấp cho thư viện công cộng. Ngoài ra, ngành xuất bản của các quốc gia: Brazil, Ai Cập, Pháp… đều đang đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ về tài chính, hoãn nộp thuế, chương trình kích cầu xuất bản...

Trong bối cảnh thị trường trực tuyến được xem là giải pháp thích ứng và phù hợp xu thế, tình hình hiện tại, các nhà xuất bản đang tập trung đẩy mạnh đầu ra online để phần nào cứu vãn doanh thu. Cụ thể, nhờ các biện pháp thúc đẩy thị trường trực tuyến, doanh số bán sách qua mạng của Đức tăng 27,2%, trong đó doanh số sách điện tử tăng 16,2%, sách nói tăng 24,5%. Riêng ở Mỹ, thị trường trực tuyến đang phát triển rất mạnh, trong đó thị trường sách nói đang rất được ưa chuộng. Tại Mỹ, hơn 71.000 sách nói được xuất bản, tăng 39% về số đầu sách so với năm 2019. Doanh thu sách nói ở quốc gia này đạt 1,3 tỉ USD năm qua. Tại Anh, sách nói cũng tăng kỷ lục, mang về doanh thu khoảng 150 triệu USD trong năm. Có thể nói, thị trường trực tuyến, trong đó nổi bật là sách nói, đang trở thành xu hướng để ngành xuất bản hồi sinh.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Publishers Weekly, Thebookseller, Aldusnet, Guardian)

Chia sẻ bài viết