05/12/2017 - 21:28

Tìm giải pháp giữ và ổn định xuất khẩu cá tra sang EU 

Những năm qua, EU luôn là thị trường xuất khẩu chính của cá tra Việt Nam. Thị trường này không những giúp ngành thủy sản nước ta thu về nguồn ngoại tệ lớn mà còn được xem là thị trường “bảo chứng” cho chất lượng cá tra khi xuất khẩu sang các thị trường khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang EU có chiều hướng giảm.

Đáng lo ngại

Thông tin tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang thị trường EU trong xu hướng mới” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Cùng với Mỹ, EU là thị trường xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, xuất khẩu cá tra sang EU sụt giảm nhanh chóng (từ chiếm tỷ trọng 24% năm 2012 xuống còn 15% năm 2016). Riêng 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 154 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11,8%. Theo ông Trần Văn Công, sự sụt giảm nói trên, ngoài yếu tố khách quan từ khủng hoảng kinh tế còn do yếu tố chủ quan về năng lực cạnh tranh. Sản phẩm cá tra hiện tại phải cạnh tranh gay gắt với các loài cá thịt trắng (cá tuyết, cá Alaska pollock) và cá biển (cá ngừ, cá hồi) tại thị trường này. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra nhìn chung vẫn chưa thích nghi với các rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm mới từ khâu nuôi trồng đến chế biến.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex). Ảnh: MỸ THANH

Ông Jean Charles Diener, Giám đốc Công ty OFCO, Chuyên gia tư vấn chiến lược xuất khẩu vào thị trường EU, phân tích: “Khủng hoảng thị trường EU hiện tại xuất phát từ lợi thế của con cá tra. Sản phẩm cá tra có chất lượng thịt ngon, giá rẻ nên khi xuất sang EU nhanh chóng thay thế các loại cá thịt trắng và cá nước ngọt bản địa. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam không biết nắm bắt cơ hội này để giữ giá. Thay vào đó, chúng ta dễ dàng chấp nhận bán cho khách hàng với nhiều mức giá khác nhau. Từ đó, con cá tra dần mất hình ảnh và giá bán bắt đầu sụt giảm. Như vậy, ngay từ đầu, chúng ta đã có sai lầm trong chiến lược bán hàng. Mặt khác, khi gặp khủng hoảng sụt giảm, thì dữ liệu dùng để phân tích, tìm ra giải pháp xử lý lại thiếu”. Công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh và ứng phó với truyền thông bôi nhọ của nước ta còn kém đã gây ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu cá tra thời gian qua…

Xuất khẩu tại thị trường EU có xu hướng giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc ngày càng tăng. Tính đến cuối tháng 10-2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Công đạt hơn 335 triệu USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ. Trước mắt, Trung Quốc là thị trường bù đắp cho sản lượng cá tra sụt giảm tại thị trường EU. Tuy nhiên, các chuyên gia đầu ngành cảnh báo, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần thận trọng. “Người tiêu dùng Trung Quốc chọn sản phẩm cá tra vì họ tin tưởng sản phẩm cá tra đạt được yêu cầu về an toàn thực phẩm, các quy định khắt khe ở các thị trường khó tính như Mỹ và EU. Nhưng, một khi chúng ta làm mất thị trường Mỹ và EU, đối với thị trường Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ mất theo”- ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam lo ngại.

Kiểm soát chặt chẽ từ ao nuôi đến bàn ăn

Từ thực trạng trên, có thể thấy, EU là thị trường chính cần giữ vững để tạo nền tảng phát triển bền vững các thị trường khác. Theo ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam, hiện nay, giá cá tra nguyên liệu khá cao nên người nuôi và doanh nghiệp chế biến đều có lời. Đó là do thời gian qua chúng ta kiểm soát tốt diện tích và sản lượng nuôi. Nếu người nuôi thấy cái lợi trước mắt mà đổ xô mở rộng diện tích thì tình trạng “khủng hoảng thừa” sẽ tái diễn như những năm về trước. “Vì vậy, vấn đề phát triển bền vững ngành hàng gắn với thị trường phải đặt lên hàng đầu với các giải pháp cụ thể như: thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành cá tra (con giống, thương phẩm, chế biến, môi trường); xây dựng và phát triển cụm ngành, chuỗi ngành. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thông qua xúc tiến đầu tư, ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng sàn giao dịch thủy sản” - ông Võ Hùng Dũng đề xuất.

Ông Lê Anh Ngọc, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề nghị ngành chức năng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản kết nối, xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc của thị trường nhập khẩu. Song song đó, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến thủy sản áp dụng quy trình sản xuất, chương trình quản lý chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm. Các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra đột xuất hoạt động lưu thông, mua bán, sử dụng thuốc thú y; chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản. Người nuôi và doanh nghiệp cần áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khâu sản xuất giống, nuôi, thức ăn để tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng tốt các yêu cầu từ thị trường EU.

Theo Ông Jean Charles Diener, Giám đốc Công ty OFCO, Chuyên gia tư vấn chiến lược xuất khẩu vào thị trường EU, vấn đề cốt lõi trong xuất khẩu cá tra sang EU là cần phải hiểu và tôn trọng thị trường mà doanh nghiệp xuất khẩu vào. “Con cá tra Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, khả năng mở rộng thị trường là rất khó mà phải tập trung vào các thị trường truyền thống với chiến lược bán hàng linh hoạt.  Song song đó, vấn đề xây dựng, quảng bá hình ảnh cá tra phải được tập trung thực hiện nhằm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng EU về sản phẩm con cá tra an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường từ ao nuôi đến bàn ăn”- ông Jean Charles Diener nhấn mạnh.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết