Uống một ly rượu hoặc bia, dù thỉnh thoảng, cũng làm tăng rủi ro cho sức khỏe và tử vong sớm - theo nghiên cứu quy mô lớn tiến hành bởi đội ngũ gồm hơn 500 nhà khoa học. Thậm chí, bia rượu được xác định là “sát thủ toàn cầu” khi giết chết 2,8 triệu người mỗi năm, đồng thời là yếu tố dẫn đến bệnh tim, gan, lao, ung thư…
Trong nghiên cứu này, nhóm chuyên gia quốc tế đã xem xét dữ liệu từ 694 nghiên cứu để ước tính mức độ phổ biến của việc uống rượu trên toàn thế giới. Họ cũng phân tích 592 nghiên cứu với dữ liệu của 28 triệu người ở 195 quốc gia và vùng lãnh thổ để nghiên cứu các nguy cơ sức khỏe liên quan đến bia rượu.
Lợi ít - hại nhiều
Công bố trên Tạp chí Y khoa The Lancet, các tác giả cho biết trên toàn cầu, cứ 3 người thì có 1 người uống rượu, tương đương với 2,4 tỉ người. Tuy từng có vài nghiên cứu cho thấy bia rượu có thể giúp bảo vệ khỏi một số căn bệnh khi tiêu thụ vừa phải, nhưng nghiên cứu mới phát hiện các rủi ro sức khỏe tăng lên dù tiêu thụ thức uống có cồn ở bất kỳ mức độ nào. “Không có ngưỡng an toàn đối với bia rượu” - Tiến sĩ Max Griswold, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Đại học Washington, khẳng định.
Cụ thể, mối liên hệ chặt chẽ giữa việc tiêu thụ bia rượu và nguy cơ ung thư, chấn thương và các bệnh nhiễm trùng tính ra nghiêm trọng hơn nhiều so với tác dụng phòng ngừa bệnh tim do thiếu máu cục bộ ở phụ nữ mà thức uống này mang lại. Uống rượu thường xuyên còn tác động tiêu cực đến các mô và cơ quan trong cơ thể, cũng như dẫn đến hành vi bạo lực, ngộ độc rượu, nghiện rượu, chấn thương do tai nạn hoặc tự phương hại bản thân.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ Bill và Melinda Gates chứng thực uống bia rượu là yếu tố nguy cơ lớn thứ 7 gây chết sớm và bệnh tật trong năm 2016, sau huyết áp cao, hút thuốc, sinh non và nhẹ cân, đường huyết cao (bệnh tiểu đường), béo phì và ô nhiễm. Nhưng riêng với độ tuổi từ 15-49, rượu nổi lên là yếu tố nguy hiểm nhất gây chết sớm, nhất là ở nam giới, chủ yếu liên quan đến bệnh lao, tai nạn giao thông và tự tổn hại bản thân. Ở những người từ 50 tuổi trở lên, ung thư do bia rượu là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chiếm khoảng 27% ca tử vong ở phụ nữ và 19% ca tử vong ở nam giới. Nguy cơ này tăng lên 7% với những người tiêu thụ 2 ly/ngày và tăng lên 37% ở người uống 5 ly. Mỗi ly được định lượng tương ứng 355ml bia, 118ml rượu vang hoặc 44ml rượu mạnh (từ 40 độ cồn).
Trẻ uống nhiều, già dễ ung thư tuyến tiền liệt ác tính
Một nghiên cứu riêng rẽ mới công bố ngày 23-8 chứng thực uống bia rượu góp phần dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt. Theo đó, chuyên gia Emma Allott tại Đại học Bắc Carolina và các cộng sự đã phân tích dữ liệu thu thập từ 650 người từng làm sinh thiết tuyến tiền liệt từ tháng 1-2007 đến tháng 1-2018. Những người này trong độ tuổi từ 49 đến 89 và không có tiền sử ung thư tuyến tiền liệt trong gia đình. Trong số 325 người bị chẩn đoán bệnh, có 88 người mắc dạng ung thư ác tính và di căn. Phân tích cho thấy so với người không uống bia rượu, những người uống trung bình 7 ly mỗi ngày khi còn trẻ có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt cao gấp 3 lần và những ai tiêu thụ từ 7 ly trở lên mỗi tuần có nguy cơ mắc phải khối u ác tính cao hơn. Nguyên nhân được cho là vì uống rượu làm tổn thương các tế bào đang phát triển trong tuyến tiền liệt.
Từ những phát hiện đáng báo động trên, nhóm nghiên cứu quốc tế đề nghị chính phủ các nước đưa ra khuyến cáo cho công dân của mình và nên thực thi các biện pháp khác ngăn chặn tiêu thụ bia rượu. Emmanuela Gakidou, giáo sư về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Washington, cho rằng thế giới cần phải xem lại các chính sách kiểm soát bia rượu và đưa ra giải pháp hạn chế uống rượu. “Các chính sách này bao gồm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, kiểm soát lượng rượu sẵn có và giờ bán, đồng thời kiểm soát chặt quảng cáo rượu” – Giáo sư Gakidou nói thêm.
HOÀNG ĐIỂU (Theo Reuters, AFP, NBC, CBS News)