25/05/2010 - 09:40

Tiết lộ bằng chứng Israel sở hữu vũ khí hạt nhân

Trong khi Mỹ đang gây sức ép buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi, với chiêu bài xây dựng một Trung Đông không có vũ khí hạt nhân, thì theo một tài liệu mật vừa được công bố, đồng minh cật ruột của Washington là Israel từ lâu đã sở hữu loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.

Tài liệu giải mật của Nam Phi tiết lộ về vũ khí hạt nhân của Israel.
Ảnh: Guardian
 

Các tài liệu trên được học giả người Mỹ Sasha Polakow-Suransky tiết lộ cuối tuần qua trong cuốn sách có tựa đề “Liên minh không tuyên bố: liên minh bí mật giữa Israel với chế độ apartheid Nam Phi”. Đây là bằng chứng văn bản chính thức đầu tiên về việc Israel có vũ khí hạt nhân, bất chấp chính sách của Tel Aviv là không khẳng định cũng không phủ nhận sự tồn tại của loại vũ khí này.

Trong văn bản đánh dấu “Tối mật” về cuộc gặp giữa các quan chức chủ chốt hai nước vào ngày 31-3-1975 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Nam Phi PW Botha đã yêu cầu mua đầu đạn hạt nhân từ Israel. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Shimon Peres, hiện là tổng thống, đã “chính thức đề nghị bán cho Nam Phi một số tên lửa Jericho có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ kho vũ khí của nước này”. Hai bộ trưởng quốc phòng cũng ký một thỏa thuận rộng về liên minh quân sự gọi là Secment, trong đó có điều khoản rằng “sự tồn tại của thỏa thuận này mãi là bí mật” và không bên nào được đơn phương từ bỏ.

Hơn 2 tháng sau cuộc gặp trên, ngày 4-6-1975, hai ông Peres và Botha lại gặp nhau ở Thụy Sĩ. Khi đó, dự án Jericho được đặt mật mã là Chalet. Tuy nhiên, Bộ trưởng Botha đã không thể tiến tới thỏa thuận cuối cùng với Israel vì chi phí quá cao. Hơn nữa, bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần có sự phê chuẩn của Thủ tướng Israel và điều đó là không chắc chắn.

Cựu Tư lệnh hải quân Nam Phi Dieter Gerhardt, bị bắt giam vào năm 1983 vì làm gián điệp cho Liên Xô và được trả tự do sau khi chế độ apartheid sụp đổ, từng xác nhận có thỏa thuận Chalet giữa Israel và Nam Phi, trong đó nhà nước Do Thái đề nghị bán 8 tên lửa Jericho với “đầu đạn đặc biệt” cho Nam Phi, nhưng lúc đó chưa có tài liệu làm bằng chứng. Sự tồn tại chương trình vũ khí hạt nhân của Israel cũng từng được Mordechai Vanunu, một cựu chuyên gia hạt nhân của Israel, tiết lộ cho báo Sunday Times (Anh) vào năm 1986. Vanunu đã cung cấp những bức ảnh chụp bên trong địa điểm hạt nhân Dimona và mô tả chi tiết quá trình sản xuất nhiên liệu hạt nhân, nhưng không có tài liệu văn bản.

Theo ông Polakow-Suransky, Bộ Quốc phòng Israel đã tìm cách ngăn cản ông tiếp cận thỏa thuận Secment vì đó là tài liệu nhạy cảm, nhưng Nam Phi thì không quan tâm và chuyển giao cho ông sau khi đã bôi đen các vấn đề liên quan tới nước này. Tiết lộ trên thật sự gây bối rối cho Tel Aviv, nhất là khi các cuộc đàm phán không phổ biến hạt nhân diễn ra mới đây ở Mỹ lại tập trung vào Trung Đông.

N. MINH
(Theo Guardian, The Times, Haaretz)

N. MINH (Theo Guardian, The Times, Haaretz)

Chia sẻ bài viết