14/01/2020 - 08:44

Tiếp xúc bụi bẩn, bệnh nhi bị viêm da bội nhiễm 

Theo Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, BV vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi 8 tháng tuổi, ở quận Ninh Kiều, bị viêm da dị ứng nặng. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt, da đỏ toàn thân, bong tróc, lột từng mảng.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi trước khi xuất viện.

Mẹ bé cho biết, gia đình đang sửa chữa nhà, bụi bặm nhiều. Không có người trông coi bé, mẹ vừa ẵm bé vừa giám sát thi công, nên bé tiếp xúc nhiều với bụi bẩn, nước sơn. Sau ngày đầu tiếp xúc, da bé có dấu hiệu đỏ, lan nhanh từ vùng mặt cổ xuống toàn thân, kể cả các vùng niêm mạc mũi, miệng, bộ phận sinh dục, kèm sốt cao. Ngày thứ 2 sau khi bé khởi phát, bệnh càng trở nặng với các triệu chứng: sốt cao, da phồng rộp và bắt đầu bong tróc, rỉ dịch, gây đau rát, ngứa ngáy, rất khó chịu. Các bác sĩ khoa Nhi BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tiến hành thăm khám, thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán và tiến hành điều trị cho bé.

Từ kết quả cận lâm sàng kết hợp sau thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm da tiếp xúc dị ứng có bội nhiễm, nguyên nhân là do tiếp xúc nước sơn, bụi bẩn. Bé được điều trị dị ứng, kháng viêm và kháng sinh ngăn bội nhiễm. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bé giảm sốt, các vết thương trên da cải thiện, khô, bong tróc. Sau một tuần điều trị, sức khỏe bé hồi phục, được xuất viện.

Theo các chuyên gia y tế, có trên 3.700 nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng ở người. Vì vậy, để điều trị hiệu quả bệnh lý này cần chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Các bác sĩ lưu ý, khi mắc bệnh, người bệnh tránh làm trầy xước vùng da bị kích ứng. Thông thường, vùng da tổn thương gây ngứa, khiến bệnh nhân gãi. Hành động này khiến vùng da bị kích ứng nặng hơn, thậm chí gây nhiễm trùng, dẫn tới phải dùng đến kháng sinh trong điều trị. Để làm sạch các chất kích ứng, hãy rửa sạch da bằng xà bông và nước ấm. Ngoài ra, có thể làm dịu triệu chứng phát ban bằng cách trộn 2 thìa bột soda làm bánh vào nước lạnh, ngâm khăn vào dung dịch này, sau đó vắt ráo nước và đắp vào da. Hoặc dùng các dung dịch có tác dụng làm dịu da, sát khuẩn, như dung dịch Jarish, hồ nước, hồ neopred. Cách điều trị viêm da tiếp xúc khác là dùng kem calamine hoặc kem có chứa hydrocortisone đối với các trường hợp nhẹ. Với những trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định dùng kem steroid có tác dụng mạnh hơn. Đối với tổn thương khô có thể bôi bằng kem dạng mỡ có chứa corticoid, hoặc kem mỡ kháng sinh đề phòng ngừa nhiễm trùng như Fucidin. Để làm giảm triệu chứng ngứa, rát và các phản ứng dị ứng, có thể dùng thuốc kháng histamin như diphenhydramine trong cách chữa viêm da tiếp xúc dị ứng. Đa phần các trường hợp viêm da tiếp xúc sẽ tự khỏi, người bệnh không cần phải lo lắng quá nhiều. Tuy nhiên, nếu bị phát ban ở vùng gần mắt hoặc miệng, hoặc vùng da bị dị ứng rộng, hoặc các triệu chứng không cải thiện khi điều trị tại nhà thì người bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được khám và điều trị đúng phương pháp.

Các bác sĩ chuyên khoa cũng khuyến cáo những biện pháp ngăn ngừa các triệu chứng viêm da tiếp xúc, bao gồm tránh tiếp xúc với các chất có khả năng gây kích thích. Phòng tránh các yếu tố dị nguyên: bụi, phấn hoa, chất tẩy rửa đặc biệt các loại thực phẩm đã gây ra dị ứng trước đây. Giữ da luôn sạch sẽ, đặc biệt là trẻ nhỏ, vì da trẻ rất dễ bị kích ứng khi tiếp xúc với bụi bẩn hoặc các hóa chất. Có thể dùng găng tay vinyl để bảo vệ da. Nên mặc áo quần dài khi đi bộ ở những nơi trống trải đề phòng trường hợp tiếp xúc với côn trùng hoặc các chất do côn trùng tiết ra gây kích ứng da. Bôi hoặc thoa kem dưỡng ẩm, hoặc kem ngăn da bị khô.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết