12/08/2022 - 19:58

Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục 

(CT) - Ðó là một trong những nội dung được tập trung thảo luận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) tổ chức vào sáng 12-8.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam đến dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN​

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu UBND TP Cần Thơ, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố, đến dự.

Theo báo cáo của Bộ GD&ÐT, năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt do dịch COVID-19, lần đầu tiên khai giảng năm học mới phải tổ chức trực tuyến, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi; gần 20 triệu học sinh, sinh viên (HSSV) phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, qua truyền hình trong nhiều tháng; trên 70.000 SV không thể ra trường đúng hạn.

Bộ GD&ÐT đã triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục. Trong đó, tất cả 63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018, đặc biệt với lớp 2 và 6; có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức thành công với 989.863 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 98,75%; tại các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2022, học sinh Việt Nam đoạt 12 HCV, 11 HCB, 9 HCÐ, 5 Bằng khen. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo bậc mầm non là 91,7%, tiểu học là 74,8%, THCS là 86,1%, THPT là 99,9%. Toàn quốc có khoảng 449.100 phòng học các cấp phổ thông công lập, tỷ lệ kiên cố đạt 85,1%. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng với kết quả Việt Nam xếp thứ 59 (tăng 5 bậc so 2020) theo xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021 của USNEWS. Ðẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng kho học liệu số dùng chung với gần 5.000 bài giảng, hơn 2.000 video bài giảng trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo CTGDPT.

Tại hội nghị, đại biểu thảo luận giải pháp khắc phục các hạn chế: tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định thực hiện CTGDPT 2018;  còn có ý kiến phản ánh một số vấn đề về sách giáo khoa lớp 1, 2, 6 theo CTGDPT 2018; mạng lưới trường lớp chưa đáp ứng yêu cầu về quy mô và chất lượng giáo dục; việc thực hiện tự chủ đại học còn chưa đồng bộ; công tác giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng, phòng chống bạo lực... chưa hiệu quả. Từ đó, hội nghị xác định tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới giáo dục; chủ động phòng chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị với nhà giáo và HSSV; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW; dạy và học đảm bảo phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ cho người học; quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước, quản trị đại học, đảm bảo dân chủ, văn hóa trường học; ứng dụng công nghệ để xây dựng dữ liệu cơ sở vật chất, đội ngũ gắn liền với cơ sở dữ liệu dân cư để định hướng quy hoạch ngành theo hướng chuẩn hóa; tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc; đề xuất các chính sách huy động nguồn lực xã hội đóng góp cho giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng học liệu số. Những việc cần làm ngay là tập trung bổ sung kiến thức sau đại dịch, phân bổ biên chế tuyển dụng vừa được bổ sung, làm tốt tuyển sinh đại học, phối hợp cùng các bộ ngành liên quan trình Thủ tướng về kinh phí mua sách giáo khoa cho học sinh khó khăn mượn; có chính sách để khi thực hiện giảm và miễn học phí bậc học phổ thông thì vẫn đảm bảo ngân sách nâng cao chất lượng và đổi mới giáo dục.

Tường Vi

Chia sẻ bài viết