29/05/2009 - 21:10

Ngày hội cây - trái ngon an toàn và sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bến Tre

Tiếp thị thương hiệu, hướng đến sản xuất an toàn, bền vững

Trái cây ngon trưng bày tại ngày hội lần thứ IX.

Từ ngày 27-5 đến 31-5-2009 tại “vương quốc cây ăn trái” huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre diễn ra Ngày hội cây - trái ngon an toàn và sản phẩm nông nghiệp lần IX năm 2009. Đã 9 lần diễn ra, qui mô ngày hội hằng năm được nâng tầm, đổi mới và thu hút sự tham gia của nhiều nhà vườn, các doanh nghiệp nhằm tạo tên tuổi của mình với khách tham quan.

Nếu như các công ty phân bón đến ngày hội để tiếp thị, giới thiệu các loại phân bón đến với nông dân, thì các nhà vườn ở tỉnh Bến Tre có cơ hội chào bán giới thiệu rộng rãi các loại cây ăn trái đặc sản. Ông Đặng Văn Rô, nông dân trồng giống bưởi da xanh đặc sản Bến Tre, ngụ tại xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, vui vẻ cho biết: “Năm nào tôi cũng tham gia hội cây trái ngon an toàn, vì mình biết chắc tham gia ngày hội ngay tại vùng cây ăn trái tỉnh nhà sẽ thu hút nhiều người quan tâm hơn. Giống bưởi da xanh của tôi nhờ tham gia hội thi trái ngon từng đạt giải nhất các năm 2004, 2008. Hằng năm, rất nhiều nơi tìm đến nhà tôi liên hệ mua giống. Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm tôi bán từ 15.000 - 20.000 cây giống bưởi da xanh”. Hiện nay, giá bán trái bưởi da xanh không riêng gì của ông Ba Rô mà của nhiều nông dân Bến Tre cũng luôn ổn định ở mức cao và không đủ cung cấp cho thị trường. Hàng chục nhà vườn chuyên làm giống cây ăn trái đem đến bán và trưng bày tại ngày hội cây trái ngon an toàn là cách tiếp thị, giới thiệu thương hiệu tên tuổi của mình với khách hàng.

Ngày hội cây - trái ngon an toàn tỉnh Bến Tre còn tổ chức các hội thảo về các chủ đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là cây ăn trái do các tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư có nhiều kinh nghiệm trình bày và trao đổi trực tiếp cùng nông dân, đã góp phần giúp cho nhà vườn trang bị thêm những kiến thức bổ ích đem về áp dụng trên vườn cây của mình. Tại ngày hội này, nông dân được dự các hội thảo sản xuất trái cây theo phương pháp Gap, trồng vườn cây ăn trái theo hướng chuyên canh, liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả trên cây ăn trái. Điển hình như hội thảo Liên kết sản xuất trái cây theo phương pháp Gap với chuyên đề “Tổ chức nhóm nông dân sản xuất trái cây đạt chứng nhận Global Gap” diễn ra ngày 27-5 có trên 300 nông dân tham dự. Sau khi tiến sĩ Nguyễn Hồng Thủy, công tác tại Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Tiền Giang, trình bày chuyên đề, các nhà vườn đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến xây dựng mô hình tiêu chuẩn Global Gap như chi phí đầu tư xây dựng; các qui trình xây dựng, hiệu quả... Nông dân Nguyễn Văn Hận ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm còn lo xa khi đặt câu hỏi: “Trồng cây ca cao có phải đăng ký theo tiêu chuẩn Gap không?”. Tiến sĩ Thủy giải thích, xây dựng tiêu chuẩn Gap là tự nguyện, không bắt buộc, có tiêu chuẩn giá trị sản phẩm của nông dân sẽ được chứng nhận; đạt tiêu chuẩn Global Gap giá sản phẩm cao hơn 20% so với giá bình quân trên thị trường và được xuất bán trên toàn cầu. Ông Võ Văn Hớn ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, là nông dân đầu tiên ở tỉnh Bến Tre vừa xây dựng thành công tiêu chuẩn Global Gap trên vườn chôm chôm của mình, cho biết: “Được bán sản phẩm trên toàn quốc với giá cao, rất có lợi. Tới đây, tôi sẽ hướng dẫn bà con xung quanh sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn mình áp dụng để tiến tới thành lập hợp tác xã và xuất khẩu sản phẩm đạt tiêu chuẩn ra nước ngoài”.

Gắn bó lâu năm trong vai trò giám khảo cuộc thi trái ngon, an toàn tại ngày hội, tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, đánh giá: “Qua những lần tổ chức thành công Ngày hội cây - trái ngon an toàn, tỉnh Bến Tre đã từng bước tác động đến nhận thức của nông dân sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng. Tại ngày hội lần thứ IX này với 149 mẫu của nông dân mang đến dự thi cũng cho thấy nông dân đã quan tâm đến chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa sau nhiều năm tháng canh tác. Tiếp tục giúp bà con sản xuất nông nghiệp trên lĩnh vực cây ăn trái đạt hiệu quả kinh tế cao, bền vững, chúng tôi đang khuyến cáo nhà vườn không nên sử dụng hóa chất để xử lý trái cây ra hoa nghịch vụ, đây là điều mà nhiều nhà vườn hiện đang làm để bán sản phẩn được giá. Trong thực tế, khi sử dụng các loại hóa chất xử lý ra hoa thì chất lượng trái cây không ngon và không an toàn cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Hiện tại, Viện đang có chương trình giúp các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre thực hiện mô hình sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn Global Gap”.

Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết