14/08/2022 - 22:08

Tiếp sức để doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất 

Quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19, doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án "Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa" (LinkSME) có nhiều hoạt động hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số (CĐS) và tiếp cận các nguồn vốn. Đây là những điều kiện thuận lợi để giúp doanh nghiệp ứng phó với các thách thức mới; phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao lợi thế cạnh tranh nhằm tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Kết quả bước đầu

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP BJ&T.

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP BJ&T.

Tại hội thảo "Thúc đẩy hỗ trợ CĐS và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa" do Bộ KH&ĐT phối hợp với Dự án LinkSME tổ chức mới đây, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT, cho biết: Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Dự án LinkSME hỗ trợ gần 400.000 doanh nghiệp tiếp cận các tài liệu hướng dẫn CĐS, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về CĐS. Dự án cũng triển khai đào tạo về tiếp cận và xây dựng chiến lược tài chính cho hơn 500 DNNVV, trong đó, có 14 doanh nghiệp được tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc các khoản nợ và tiếp cận tài chính với khoản vay được phê duyệt lên tới 5 triệu USD.

Bên cạnh đó, dự án xây dựng 2 nền tảng thông tin số tại địa chỉ digital.business.gov.vn và a2f.business.gov.vn. Theo đó, nền tảng thông tin tại địa chỉ digital.business.gov.vn với nhiều thông tin hữu ích về các hoạt động hỗ trợ CĐS: chương trình đào tạo, tài liệu, kết nối các DNNVV với các chuyên gia tư vấn và đơn vị cung cấp giải pháp số. Đồng thời, công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS, sổ tay hướng dẫn CĐS cho các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất công nghiệp cũng được phát triển, số hóa và tích hợp nền tảng cổng thông tin này. Nền tảng a2f.business.gov.vn tích hợp sổ tay và các công cụ đánh giá khả năng tiếp cận các nguồn vốn mới cũng như đánh giá mức độ sẵn sàng tái cấu trúc tài chính của DNNVV... Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và kết nối với các nguồn tài chính mới phù hợp với năng lực của doanh nghiệp.

Là một trong những doanh nghiệp được hỗ trợ từ dự án, ông Tô Ngọc Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hanpo Vina, chia sẻ: "Thông qua sự kết nối của Dự án LinkSME, công ty đã tiếp cận được nguồn tài chính khoảng 5 tỉ đồng. Nguồn vốn này đã giúp chúng tôi vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng dịch bệnh và bắt đầu vào giai đoạn phục hồi sản xuất thông qua đầu tư một số dây chuyền sản xuất mới, mở rộng sự hợp tác với đối tác nước ngoài". Theo đánh giá của Cục Phát triển doanh nghiệp, những kết quả ban đầu cho thấy sự chủ động và tiên phong của dự án trong việc triển khai tập trung vào những lĩnh vực, phương pháp mới, có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Hỗ trợ

Quá trình đồng hành CĐS cùng doanh nghiệp, Cục Phát triển doanh nghiệp cũng chỉ ra thách thức mà các doanh nghiệp đang đối mặt như chi phí đầu tư cần thiết cho CĐS cao; hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp còn hạn chế, tâm lý ngại đổi mới của doanh nghiệp; nguồn nhân lực CĐS còn hạn chế... Về tiếp cận tài chính, hiện tỷ lệ DNNVV tiếp cận được nguồn tài chính chính thống chỉ khoảng 25%, còn lại từ các nguồn khác. Nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn chính thống do năng lực của các chủ doanh nghiệp về quản lý dòng tiền, minh bạch chứng từ, báo cáo tài chính còn yếu; chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng do liên quan đến tài sản đảm bảo, về phương án kinh doanh khả thi, lịch sử trả nợ và các điều kiện, thủ tục vay vốn khác.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc Khối khách hàng DNNVV, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng đề xuất ứng dụng công cụ hỗ trợ đánh giá năng lực của doanh nghiệp (toolkit). Bởi đây là một xu hướng và mang lại lợi ích cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Theo đó, về phía ngân hàng sẽ giảm thiểu tính chủ quan trong đánh giá dựa trên những số liệu thực và toàn diện về doanh nghiệp; đẩy nhanh quy trình có thể áp dụng hàng loạt cho các doanh nghiệp một cách nhanh chóng; tăng hiệu quả phục vụ khách hàng với chính sách phục vụ phù hợp với đặc điểm từng nhóm đối tượng… Về phía doanh nghiệp sẽ tự đánh giá trạng thái tài chính sơ bộ của bản thân khi đi vay vốn; nhận định mức vay, sản phẩm vay; có phương hướng cải thiện tình hình kinh doanh, tài chính nếu đang gặp khó khăn.

Tại sự kiện, Quỹ Phát triển DNNVV (SMEDF) cũng tư vấn trực tiếp về gói vay với lãi suất ưu đãi. Theo đó, SMEDF hỗ trợ cho các DNNVV thông qua hoạt động cho vay gián tiếp, đối tượng hỗ trợ gồm các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Các DNNVV vay vốn với mục đích thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh với mức cho vay tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Thời gian vay vốn tối đa không quá 7 năm, thời gian ân hạn cho một dự án (vay vốn trung và dài hạn) tối đa là 2 năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn là 2,16%/năm, trung hạn và dài hạn là 4%/năm.

Ông Lê Mạnh Hùng, khẳng định: "Thời gian tới, Bộ KH&ĐT và dự án tiếp tục tập trung thúc đẩy và mở rộng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, CĐS và tiếp cận tài chính cho DNNVV thông qua việc tài liệu hóa và nhân rộng mô hình hỗ trợ thành công trên phạm vi toàn quốc. Chúng tôi hy vọng các hoạt động này sẽ hỗ trợ kịp thời, có ý nghĩa nhằm góp phần giúp DNNVV nắm bắt được xu hướng phát triển và chuyển dịch của thị trường trong nước và thế giới để có thể thích ứng, bền bỉ vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển vững mạnh".

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết