24/01/2017 - 13:57

Tiếng quê hương

Hát Sắc bùa, hò vè Nam bộ rồi nghi lễ cúng đình, miễu… câu chuyện của ông Lư Hội- Nguyên Giám đốc Bảo tàng Bến Tre, cứ cuốn hút trong những chủ đề đó, tối mịt mà vẫn quên thôi. Bình trà đã châm năm bảy lần nước, nhưng chuyện kể vẫn đậm đà, chất phác. Sau mỗi câu chuyện, ông Lư Hội lại xuýt xoa: "Tiếng quê hương mình thấy thương gì đâu!".

Hôm tôi về xứ Dừa tìm gặp, cũng là ngày làm việc cuối cùng của ông Lư Hội trên cương vị Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bến Tre. Quày quả đống sách cũ cùng lỉnh kỉnh đờn cò, sanh tiền, trống cơm- gia tài sau mấy mươi năm làm văn hóa, để về quê vui thú điền viên, gương mặt ông luôn ánh nét cười điềm đạm, không chút ưu tư, nghĩ ngợi. Ông nói rằng, việc bảo tồn văn hóa thì cả đời, đâu nề hà địa vị hay tuổi tác.

Ông Lư Hội - người sưu tầm di sản văn hóa xứ Dừa. Ảnh: DUY KHÔI

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, giới nghiên cứu văn hóa dân gian ai cũng biết ông Lư Hội như người khơi dậy sức sống cho di sản. Người ta nhắc nhiều khi ông cứu sống một di sản tưởng đã chết ở Bến Tre- hát Sắc bùa Phú Lễ. Hát Sắc bùa là loại hình diễn xướng dân gian phổ biến ở miền Trung; ở Nam bộ chỉ duy nhất Bến Tre có, nhưng đã mai một. Vậy là ông lần tìm các nghệ nhân còn nhớ nghề, mong tìm những lời ca, điệu nhạc đặc trưng, tỉ mẩn ghi chép. Những lão nông từng bấn lòng trước điệu hát Sắc bùa ngày càng mai một như ông Năm Hứa, Tư Dũng ở Phú Lễ, ông Võ ở Tân Xuân, Ba Tri, mừng vì đã tìm gặp "truyền nhân". Họ gởi hết tâm tình cho ông Lư Hội. Từ đó, Đội Hát Sắc bùa Bến Tre, CLB Hát Sắc bùa Phú Lễ ra đời. Tiếng hát Sắc bùa dịp Tết trên xứ Dừa hơn nửa thế kỷ trước nay lại vang lên, tìm ký ức cho người già, truyền niềm vui cho người trẻ. Điệu hát Sắc bùa còn được ông Lư Hội đem giới thiệu, diễn xướng ở Cần Thơ, Long An, TP Hồ Chí Minh...

Từ một thầy giáo làng, cán bộ xã rồi bén duyên với ngành văn hóa, ông Lư Hội mang trái tim luôn "xao động" khi nghe tiếng nhạc lễ ở đình, điệu hát đưa em hay một câu hò xứ sở. Trên chiếc xe máy cũ kỹ, ông đến mọi miền quê của xứ Dừa, tìm gặp những người nắm giữ các loại hình di sản mà ghi chép, lưu giữ. Tập tài liệu của ông cứ dày lên theo tuổi tác và mái đầu điểm bạc. Gần 30 đầu sách về văn hóa, di sản đồng bằng ấy là tài sản của một nhà nghiên cứu tận tâm. Ông tìm thấy niềm vui, còn người đọc tìm thấy công đức của tiền nhân trong mỗi trang viết.

"Lúc đầu được phân công mảng di sản, tôi bù trất vì có biết thế nào là di sản phi vật thể, di sản vật thể đâu. Nhạc lý cũng mờ căm. Vậy nhưng mình làm bằng cái tâm, vừa làm vừa học, rồi đâu cũng vào đó"- ông Lư Hội nói. Vậy rồi trong một quán nhỏ ven bờ Hàm Luông, ông trỗi lên tiếng đờn cò nghe não nuột, thiết tha điệu Lý Ba Tri. Ngón đờn này ông học cách đây hơn một năm, để tiện cho việc diễn xướng hát Sắc bùa. Hàng trăm câu hò điệu lý ở Bến Tre đã được ông Lư Hội ghi chép, giới thiệu, kỹ càng đến mức: chỗ nào cái kể, con xô, chỗ nào nói nhạo, chỗ nào mái đoản, mái trường… Những điệu hò "Ớ hơ", "Hòa hơ"… phổ biến ở Bến Tre hiện nay chính do ông sưu tầm và định danh. Ai biết cũng thật bất ngờ, khi công trình đó lại của người chưa một ngày học nhạc. Vậy mà người đọc vẫn hò hát được trên những trang sách của ông. Có lẽ những lời ru điệu hát thuở ấu thơ đã nuôi nấng tâm hồn và cho ông một sự đồng điệu với di sản mà ông gọi là tiếng quê hương.

Ông vẫn hay trầm trồ với mọi người rằng, có đi vào đời sống dân gian mới thấy người đồng bằng mình sống nhân nghĩa mà điệu nghệ vô cùng. Những công trình của ông như: Tang lễ của người già ở Bến Tre, Các làn điệu dân ca Bến Tre, Hát Sắc bùa Phú Lễ… đều là kết quả của những tháng ngày dầm cơn mưa đầu mùa, đội ngày nắng cháy tháng hạn và phơi mình trên những cánh đồng Bến Tre cùng người dân quê. Bởi, chỉ ở đó, ông Lư Hội mới tìm được "kho báu". Đi mãi thành thân, dệt tình thương cho bà con xứ sở. Ông Lư Hội đi tới đâu, tiếng hát tiếng hò lại vang lên những khúc ân tình. Ông kể, có cụ Lê Hắc Hổ ở Mỏ Cày Nam, tuổi đã gần trăm nhưng hò rất hay. Thỉnh thoảng khi nhớ lại điệu hò nào đó, cụ bắt xe ôm lên tận thành phố Bến Tre: "Tìm chú Hội để hò cho chú ghi lại". Thương là thương cái nghĩa, quý là quý cái tình, bà con biết rằng ông Hội sưu tầm chẳng phải cho riêng mình mà là gìn giữ cho muôn đời sau.

Còn nhớ cách đây 2 năm, đội Hát sắc bùa của ông Lư Hội phục vụ "Sắc xuân miệt vườn" ở Cần Thơ. Nhiều khách đứng xem vì sự lạ lẫm, rồi tần ngần trước những điệu nhạc dân dã mà tôn quý. Cần Thơ là điểm đến đầu tiên của ông Lư Hội trên hành trình quảng bá di sản. Mấy năm trước, ông cũng mang đến Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ câu chuyện về bánh tráng Mỹ Lồng- bánh phồng Sơn Đốc nức tiếng Bến Tre. "Tôi luôn có một ân tình dành cho Cần Thơ", ông nói vậy, rồi lần giở mớ hình ảnh lưu niệm với các văn nghệ sĩ Tây Đô, như một lời nhắc nhớ.

* * *

Bao nhiêu năm vẫn vậy, vẫn với độ bồ bà ba, chiếc khăn rằn bình dị, mái tóc có bạc dần, nhưng tiếng hát, điệu hò của ông Lư Hội vẫn đậm đà Nam bộ. Vẫn cách nói dân dã, không hoa mỹ, câu nệ, người đàn ông tuổi ngoài 60 tiếp tục lặng thầm đi tìm cái hay, cái đẹp của văn hóa dân gian.

"Ngũ phúc lâm môn. Năm mới giàu sang. Gia quan tấn lộc". Ông tiễn tôi bằng điệu hát Sắc bùa đồng vọng cùng tiếng đờn cò. Rời Bến Tre, tôi nghe tiếng rít rao những tàu dừa mùa gió chướng và nghe đâu đó, tiếng lòng của người lặng thầm gìn giữ tiếng quê hương.

VĨNH LỘC

Chia sẻ bài viết