15/02/2016 - 19:45

Tiếng cười dung dị, ấm tình thân

So với những năm trước, phim truyền hình Tết năm nay tuy số lượng không nhiều nhưng là những tác phẩm chất lượng. Những câu chuyện nhẹ nhàng xoay quanh phong tục Tết truyền thống, chuyển tải nội dung sâu sắc về sự đoàn viên, nghĩa tình giữa người với người. Từ "Cô Thắm về làng" (HTV2), "Lời nói dối ngọt ngào" (VTV1, VTV3) đến "Báu vật" (HTV7), "Trùm Khỉ lạc giang hồ"… đều để lại những dư âm ngọt ngào.

Phim truyền hình Tết thường ngắn, chỉ từ 4-10 tập, nội dung nhẹ nhàng và thường đan xen tình tiết hài hước. Năm nay, phim truyền hình Tết có xu hướng xoay quanh cuộc sống của những người xa xứ luôn khao khát có cái Tết đoàn viên. Đó là câu chuyện của Thắm (Tường Vi) trong "Cô Thắm về làng", về quê sau hơn 10 năm học tập làm việc trên đất Mỹ, để ngăn đám cưới em gái là Đượm (Hà My)– với Kiệm (Jun 365) khi cả hai chỉ mới tròn 18 tuổi. Sự xuất hiện của Thắm không chỉ gây xáo trộn tình cảm của Đượm và Kiệm, còn vô tình tạo cuộc chiến giữa Cần (Nhan Phúc Vinh) – anh trai Kiệm với Chí (Hoàng Anh)- người bạn láng giềng của Thắm. Cần và Chí đều yêu thích Thắm nên quyết tâm lấy lòng ba mẹ Thắm, tạo nên nhiều tình huống dở khóc dở cười. Với Thắm, trở về vào những ngày giáp Tết, sự quan tâm của người thân, lối xóm cho cô sự ấm áp của tình thân, nhận ra giá trị của yêu thương để đưa ra quyết định đúng đắn. Phim mang đến tiếng cười nhẹ nhàng qua những cuộc "đọ sức" của Cần- Chí, chuyện tình trẻ con của Đượm-Kiệm, những kế hoạch lên bờ xuống ruộng của các quân sư Lý- Toán. Không quá giáo điều, phim mang đến không khí thoải mái khi vẫn đề cao những giá trị đẹp trong lối sống của người Việt.

Thắm (Tường Vi, thứ hai từ trái sang) cùng gia đình gói bánh tét để đón Tết.

Cũng như Thắm, An (Lan Phương) trong "Lời nói dối ngọt ngào" luôn khát khao được đón Tết truyền thống bên cha và em trai sau nhiều năm sống tại Czech. An có cuộc sống ổn định cùng chồng và con trai tại đất khách, cô trở về Việt Nam vì ông Khang- cha An đột ngột trở bệnh, và cũng để giúp Vượng (Kiên Hoàng)- em trai cô yên bề gia thất. Thế nhưng những ngày ở Việt Nam, An nhận ra bản thân đã bỏ quên quá nhiều thứ, nhất là những phút giây hạnh phúc, ấm áp bên cha, em trai. An muốn ở lại đón Tết, trong khi đó Bách (Bình Minh), người chồng cần kiệm của An muốn cô nhanh chóng hoàn tất thủ tục trở về Czech. Những mâu thuẫn khiến nhiều rắc rối xảy đến khiến An, Vượng và ông Khang đều nói dối lẫn nhau và những nút thắt lần lượt được mở bởi ai cũng nói đối để người thân của họ được an lòng, vui vẻ, hạnh phúc. Kết cấu của "Lời nói dối ngọt ngào" khiến người xem thú vị với nhiều tình huống bất ngờ, từ sự thật về Minh- người yêu giả của Vượng, đến quyết định trở về quê ăn Tết cùng gia đình vợ của Bách. Phim làm người xem ấm lòng với những câu chuyện giàu cảm xúc trên đất khách của cộng đồng người Việt, những tình cảm mà các nhân vật dành cho nhau.

"Báu vật" lại mang đến cho người xem nhiều trăn trở, tiếng cười bật ra trong ngậm ngùi. "Báu vật" dựa trên truyện ngắn "Nơi đây là phương Nam" của Nguyễn Trung Dân, với câu chuyện về ông Năm (Trung Dân)- lão nông dân khá giả, cùng ba người con trai: Nhân (Minh Thảo), Vạn (Thanh Tuấn) và Đức (Minh Cường). Trong xóm có lời đồn, gia đình ông Năm may mắn đào được kho báu khi xây nhà nên mới trở nên giàu có, do đó ngoài tài sản ruộng đất, Vạn và Đức còn muốn có kho báu. Cuộc cạnh tranh truy tìm báu vật diễn ra, phơi bày nhiều sự thật đau lòng: vợ chồng Vạn bất chấp sĩ diện nhận bừa kho báu mà Cô Chín vô tình lượm được, vợ chồng Đức bỏ mặc cha nằm ngất xỉu ngoài sân chỉ để có thêm thời gian tìm vật báu trong nhà. Tiếng cười trong "Báu vật" ẩn chứa nhiều bài học về lối sống nghĩa nhân. Cái kết của "Báu vật" để lại sự trân trọng nghề nông, sức lao động...

Có thể thấy, phim truyền hình Tết năm nay không chỉ có không gian truyền thống và tiếng cười, mà ẩn sau đó là giá trị của tình người.

Ái Lam

Chia sẻ bài viết