13/08/2023 - 11:27

Tiên Sư Cổ Miếu ở Bạc Liêu 

Trần Kiều Quang

Tiên Sư Cổ Miếu (ảnh) là một trong những ngôi miếu có lịch sử hình thành khá lâu đời ở Bạc Liêu. Miếu tọa tại số 63 đường Hòa Bình, khóm 2, phường 7, TP Bạc Liêu. Ngôi miếu có quan hệ mật thiết với những sự kiện lịch sử quan trọng trong quá trình hình thành làng xã ở Bạc Liêu, cũng gắn liền câu chuyện ông Nguyễn Tri Phương đánh lui quân phiến loạn và đẩy lùi giặc dốt.

Vào khoảng năm 1852, tình hình an ninh vùng Ba Thắc (Bạc Liêu - Sóc Trăng) bất ổn, thường xuyên có giặc cướp quấy nhiễu. Ngoài việc cướp bóc, chúng còn tấn công cả đồn Bãi Xào và vây hãm thị trấn Bạc Liêu.

Lúc đó ông Nguyễn Tri Phương (1800-1873) đang là Tổng đốc các tỉnh Gia Ðịnh, Biên Hòa, Vĩnh Long, Ðịnh Tường, An Giang và Hà Tiên, đã đem quân xuống vùng Ba Thắc để tiễu trừ loạn phỉ. Ðội quân của ông tinh nhuệ, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, nên chỉ trong thời gian không đầy một năm đã dẹp tan quân phiến loạn.

Tương truyền, trong lúc hành quân diệt địch, quân của Nguyễn Tri Phương trú đóng trên một khu đất gò thuộc vùng Miếu Tiên Sư ngày nay. Ở đây lúc bấy giờ có một ngôi miếu nhỏ thờ Tam Giáo Tổ Sư được làm bằng cây lá rừng, không có bảng hiệu và cũng như nhiều ngôi miếu nhỏ khác, được người dân ở đây gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau: Miếu Tiên Sư, Miếu Tổ Sư, Miếu Thầy.

Sau thời gian binh biến, ngôi miếu bị hư hao, nên trước khi rút quân về, ông Nguyễn Tri Phương đã cho quân lính dùng cây lá và một số vật liệu để xây dựng lại. Ngôi miếu mới tuy đơn sơ nhưng lớn gấp đôi ngôi miếu cũ và đặc biệt là Tổng đốc Nguyễn Tri Phương tự tay viết bảng hiệu. Ðây là bảng hiệu đầu tiên mang tên Tiên Sư Miếu (được viết bằng chữ Hán). Ông nhắc nhở người địa phương nên tiếp tục thờ cúng những người có công khai khẩn đất hoang, xây dựng làng xã và những chiến sĩ vì nước bỏ mình, ở ngôi miếu này.

Lời dặn của ông đã trở thành truyền thống thờ phụng ở Miếu Tiên Sư, nên từ trước đến nay ngoài ông Nguyễn Tri Phương còn có những người có công xây dựng làng xã ở Bạc Liêu được thờ như Phan Thanh Giản, Cao Minh Thạnh, Nguyễn Tấn Phát, Triệu Vạn Tượng, Lý Hữu Hoan, Phan Kim Lý, Trịnh Thiện Kim, Cao Tấn Hưng, Trịnh Thành Long… và 20 chiến sĩ chống Pháp đã anh dũng hy sinh, trong đó có 7 người bị Pháp xử bắn tại sân miếu.

Năm 1853, ông Nguyễn Tri Phương được phong làm Ðông các Ðại học sĩ, lãnh chức Kinh lược sứ Nam Kỳ. Ông đã tổ chức khai phá đất hoang, thành lập thôn ấp ở nhiều nơi. Khoảng năm 1855, ông đưa nhiều người vào Bạc Liêu khai khẩn, lập nhiều thôn làng ở đây, như: Vĩnh Lợi, Vĩnh Mỹ, Phong Thạnh, Vĩnh Trạch... Ông Nguyễn Tri Phương rất chú trọng mở mang dân trí. Nhận thấy ở đây người dân càng ngày càng đông, cần phải có một nơi để học hành nên ông lệnh các chức sắc ở địa phương mở rộng diện tích của Miếu Tiên Sư bằng cách cất thêm tiền sảnh và hai chái hai bên để làm nơi dạy học. Ngôi trường được thành lập theo ý của quan Kinh lược nên được các giới chức làng tổng ở Bạc Liêu rất quan tâm, nhiều thầy đồ ở các nơi được mời về giảng dạy. Vì vậy có thể nói Miếu Tiên Sư là nơi duy nhất dạy chữ Nho ở Bạc Liêu và sau đó trở thành điểm dạy chữ Việt đầu tiên ở đây(1).

"Ðến năm Tân Sửu (1901), ban bảo trợ miếu đã đứng ra vận động bá tánh để thành lập ban tế tự, kết quả ông Cao Minh Thạnh (1860-1919) được bầu làm trưởng ban. Ông Thạnh là người cố cựu ở Bạc Liêu có nhiều kinh nghiệm về quản lý và có ý tưởng canh tân, nên khi vừa tiếp nhận nhiệm vụ, ông đứng ra vận động bà con khu phố quyên góp tiền bạc để xây dựng một ngôi miếu bằng gạch ngói thay cho ngôi miếu nóc lá cây rừng hư cũ. Sau khi ngôi miếu mới được hoàn thành, nhận thấy bề ngoài khá đồ sộ nên ông Cao Minh Thạnh đề nghị đổi tên Tiên Sư Miếu thành Tiên Sư Cổ Phủ cho thích hợp hơn.

Ðến năm 1964, ông Trần Vinh lại đề nghị nên dùng tên cũ - tên mà ông Nguyễn Tri Phương đã đặt ra nhưng ngôi miếu đến nay cũng lâu năm nên giữ lại từ "cổ"; do đó ngôi miếu này lại mang tên Tiên Sư Cổ Miếu"(2).

Tiên Sư Cổ Miếu được xây dựng theo kiểu hình chữ Tam - kiểu kiến trúc truyền thống của đình chùa Nam Bộ. Cổng dạng tam quan. Trên mỗi cổng đều có mái nóc được đắp bằng xi măng, ngói âm dương. Trên đỉnh mái nóc của cổng chính có tượng đôi rồng tranh châu. Hai cột của cổng chính có câu đối mà mỗi chữ đầu trên mỗi cột ghép lại thành hai chữ Tiên Sư - tên của ngôi miếu: Tiên hiền hóa tạo thông thiên địa / Sư ân pháp ích quán cổ kim.

Phía sau cổng là một khoảng sân trống nhằm tạo không gian cho ngôi miếu. Bên tay trái (nhìn từ ngoài vào) là miếu thờ Thổ thần; bên tay phải là miếu thờ Chúa Xứ nương nương. Hai bên vách phía trước của ngôi miếu có đắp nổi tượng rồng và cọp theo quan niệm phong thủy "tả thanh long, hữu bạch hổ", mái lợp tôn, trên đỉnh mái có tượng lưỡng long tranh châu.

Bên trong ngôi miếu là không gian thoáng đãng, gồm nhiều bàn thờ khác nhau. Bàn thờ được đặt chính giữa gian chính điện là bàn thờ Tiên Sư. Khánh thờ này được trang hoàng lộng lẫy, trang nghiêm. Phía bên trên có hàng chữ Ðức Tiên Sư. Bên trong khánh thờ là bài vị. Xung quanh được trang trí bởi nhiều hoa văn, rèm, võng, lọng, các nét chạm khắc tinh xảo vừa thể hiện giá trị thẩm mỹ vừa đầy vẻ uy nghi. Bên trái bàn thờ Tiên Sư (nhìn từ ngoài vào) là bàn thờ của Hữu Ban và bên phải là bàn thờ của Tả Ban. Cả hai khánh thờ này cũng được trang trí đẹp mắt, uy nghi, thể hiện nét trầm mặc của chốn tâm linh. Ngôi miếu còn thờ những người có công khai khẩn đất hoang, những người hy sinh vì nước… Ngôi miếu được chống đỡ bởi nhiều hàng cột có đắp nổi tượng rồng quấn quanh. Trong miếu có nhiều hoành phi, câu đối ở các hàng cột trong chính điện.

Tính đến nay, Tiên Sư Cổ Miếu đã có trên 170 năm tuổi, là một trong số những ngôi miếu tồn tại lâu đời nhất ở Nam Bộ.

Ngoài những ngày lễ lớn, ngôi miếu còn có những ngày cúng các vị được thờ, nên thường thu hút lượng lớn khách thập phương đến viếng. Du khách đến đây cầu gia đạo bình an, con cái ngoan hiền, học hành tấn tới, còn là để lắng lòng tri ân những bậc tiền bối đã vì nước quên thân, những tiền nhân đã khai khẩn đất hoang, đánh đuổi thú dữ… Ðó cũng là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

Với những giá trị văn hóa, lịch sử còn lưu giữ, Tiên Sư Cổ Miếu đã được UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật vào ngày 15-9-1997. 

(1) Nhiều tác giả (2006), Di tích và thắng cảnh Bạc Liêu, Sở Thương mại và Du lịch Bạc Liêu, tr.75-79.

(2) Bảo Nguyên (2006), Tiên Sư Cổ Miếu Bạc Liêu, Thông tin khoa học lịch sử: Bạc Liêu xưa và nay, tr.33.

 

Chia sẻ bài viết