Sau 2 năm thực hiện liên thông thủ tục hành chính (TTHC) về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế (cấp mới, cấp đổi, cấp lại) cho trẻ em dưới 6 tuổi; và liên thông TTHC đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, đã giúp người dân tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại
khi thực hiện các TTHC trên. Tuy nhiên, quá trình liên thông vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Tiết kiệm cho dân
Năm 2014, TP Cần Thơ đã đưa vào thực hiện Đề án liên thông các TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế (cấp mới, cấp đổi, cấp lại) cho trẻ em dưới 6 tuổi; và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú. Đến nay tất cả 85 xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện quy trình này. Tổng số hồ sơ toàn thành phố tiếp nhận là 52.409 trường hợp, đã giải quyết 52.398 trường hợp, trễ hạn 114 trường hợp, 11 hồ sơ tồn đọng.
Công tác phối hợp giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện liên thông khá chặt chẽ. Việc chuyển hồ sơ từ UBND xã, phường, thị trấn đến cơ quan Bảo hiểm xã hội quận, huyện được thực hiện thông qua phần mềm hoặc hộp thư điện tử. Đối với hồ sơ liên thông đăng ký thường trú, công chức tư pháp hộ tịch trực tiếp chuyển hồ sơ đến cơ quan công an, quận, huyện. Việc giao, nhận, trả hồ sơ đều được quản lý thông qua phiếu chuyển hồ sơ. Việc giải quyết hồ sơ của thủ tục này được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
 |
Công chức phường Bình Thủy, quận Bình Thủy hướng dẫn thủ tục cho người dân. |
Nếu không thực hiện quy trình liên thông các TTHC nêu trên, người dân có nhu cầu đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế hoặc đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú phải đến nhiều cơ quan khác nhau để giải quyết TTHC. Từ khi thực hiện liên thông TTHC, người dân chỉ đến một nơi nộp hồ sơ và nhận kết quả, nên tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại. Ông Ngô Văn Tám, ngụ phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, nói: "Khi tôi đến Bộ phận một cửa đăng ký khai sinh cho con thì cán bộ hướng dẫn tôi thực hiện luôn đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế. Sau đó, tôi chỉ chờ ngày nhận kết quả, rất tiện lợi".
Bà Lê Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết: Qua khảo sát tại một số quận, huyện cho thấy, hầu hết người dân đồng tình cao với việc liên thông TTHC này. Vì vậy, mặc dù đây là thủ tục khuyến khích, không bắt buộc người dân phải thực hiện nhưng tại một số địa phương thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn, tỷ lệ người dân thực hiện cao như quận Ninh Kiều, Thốt Nốt, huyện Thới Lai
Việc áp dụng quy trình liên thông TTHC đã giúp cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ hơn thông tin nhân dân và cư trú của người dân; khắc phục tình trạng trẻ em đã được đăng ký khai sinh nhưng vẫn chưa được nhập hộ khẩu, cấp thẻ bảo hiểm y tế hoặc tình trạng người đã chết nhưng chưa được xóa tên trong hộ khẩu.
Vẫn còn vướng
Mặc dù kết quả trên là khả quan, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn một số vướng mắc. Cụ thể, công chức phụ trách liên thông tại UBND xã là công chức tư pháp hộ tịch, có nghiệp vụ về hộ tịch nhưng chưa nắm hết các quy định của ngành công an, bảo hiểm, do đó còn xảy ra tình trạng sai sót. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc tuyên truyền, hướng dẫn nên tỷ lệ người dân tham gia thực hiện liên thông còn thấp, thậm chí có địa phương không có người dân tham gia. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng trễ hạn liên quan đến thủ tục đăng ký hộ khẩu, và cấp thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, việc công bố TTHC liên thông về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế tại địa phương chưa thực hiện được vì Quyết định số 1500/QĐ-BTP ngày 13-8-2015 của Bộ Tư pháp không còn phù hợp với Luật Hộ tịch nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Để thực hiện liên thông các TTHC đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, theo Thượng tá Nguyễn Văn Chúc, Phó Trưởng Công an huyện Vĩnh Thạnh, cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về lợi ích của việc liên thông một cửa nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, đào tạo cán bộ phụ trách một cửa liên thông ngày càng chuẩn hóa từ trình độ, năng lực đến văn hóa ứng xử với nhân dân. Nhất thiết, cán bộ làm công tác này phải có tâm, nhiệt tình giúp đỡ hướng dẫn người dân trong việc giao nhận và trả kết quả, tránh những trường hợp sách nhiễu, bắt người dân phải đi lại nhiều lần.
Theo bà Lê Thị Hải Yến Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra tình hình thực hiện liên thông các TTHC tại một số địa phương. Trong đó, tập trung kiểm tra ở các địa phương không thực hiện liên thông về khai tử - xóa đăng ký thường trú, địa phương có ít người dân tham gia thực hiện liên thông các TTHC, để tham mưu lãnh đạo UBND thành phố có chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, Sở sẽ chủ trì phối hợp với Công an thành phố nghiên cứu đề xuất của các địa phương về việc tiếp tục mở rộng mô hình liên thông trong thực hiện TTHC về thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định dân tộc điều chỉnh hộ khẩu
Ngoài ra, Sở sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động, tư vấn cho người dân biết những thuận lợi để người dân tự nguyện tham gia liên thông TTHC. Để hạn chế những vướng mắc hiện nay, đề nghị Bộ Tư pháp kịp thời sửa đổi Quyết định số 1500/QĐ-BTP ngày 13-8-2015, để địa phương làm cơ sở công bố TTHC hiện tại. Bên cạnh đó, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố, Bảo hiểm xã hội thành phố phối hợp Sở Tư pháp tổ chức các buổi hướng dẫn cán bộ phụ trách thủ tục liên thông cấp xã cách thức thực hiện TTHC đăng ký thường trú và xóa đăng ký thường trú; cấp thẻ bảo hiểm y tế
P.NGUYỄN