“Anatomy of Time” của điện ảnh Thái Lan đang tạo được ấn tượng tại Liên hoan phim quốc tế (LHP) Venice 2021. Và đây không phải lần đầu tiên điện ảnh Thái Lan có tác phẩm gây sức hút với các nhà phê bình quốc tế, mà trước đó đã có nhiều tác phẩm có tiếng vang ở các kỳ LHP. Ngành công nghiệp điện ảnh Thái Lan được đánh giá có tiềm năng lớn ở khu vực Ðông Nam Á.
Phim “Anatomy of Time”.
“Anatomy of Time” được chú ý bởi nội dung được kể mộc mạc, nhưng đầy cảm xúc về cuộc đời của nhân vật Mam - người trải qua nhiều thăng trầm giữa những biến động thời cuộc từ những năm 1960. Tuổi thanh xuân, Mam có cuộc sống vui vẻ với bao ước mơ, nhưng những biến cố khiến cuộc sống Mam chịu nhiều đau khổ cho đến hiện tại. Cách kể chuyện chân thực trong “Anatomy of Time” đã giúp điện ảnh Thái Lan ghi điểm với các nhà phê bình quốc tế.
Trước “Anatomy of Time”, nhiều phim Thái Lan đã được giới phê bình quốc tế chú ý và xuất hiện ở hầu hết các LHP uy tín như: Cannes, Sundance, Berlin, Venice… Có thể kể đến như “Memoria” của đạo diễn Apichatpong Weerasetakul chiến thắng giải Ban Giám khảo tại LHP Cannes 2021, mang về giải Grand Prix d’Honneur cho tác phẩm xuất sắc nhất từ LHP Marseille 2021. Một tác phẩm khác là “One For the Road” của đạo diễn Nattawut Poonpiriya được chọn chiếu mở màn và chiến thắng giải đặc biệt từ giám khảo ở hạng mục Tầm nhìn sáng tạo tại LHP Sundance 2021. Ngoài ra còn có “The Edge of Daybreak” của đạo diễn Taiki Sakpisit chiến thắng giải Lựa chọn của các nhà phê bình tại LHP Rotterdam, “The Medium” của Banjong Pisanthanakul giành giải cao nhất tại LHP Bucheon International Fantastic, Hàn Quốc.
Tiềm năng của điện ảnh Thái Lan đang dần được chú ý trên thị trường quốc tế. Thế nhưng, vấn đề của ngành công điện ảnh quốc gia này hiện nay là đầu ra. Ngoại trừ “The Medium” đã được ra rạp quốc tế từ tháng 7 vừa qua, hầu hết các phim còn lại đều vẫn chưa thể ra rạp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các rạp chiếu tại Thái Lan đã phải đóng cửa phòng dịch bệnh từ tháng 4-2020. Tại Thái Lan hiện có khoảng 1.200 rạp chiếu, tập trung chủ yếu ở Bangkok và các thành phố lớn. Theo đó, phim nội địa đảm bảo 15%-18% doanh thu hàng năm, còn lại là các phim nhập khẩu (chủ yếu từ Mỹ). Cuối năm 2020, thị phần phim Thái Lan tăng lên 25%, bởi chính quyền địa phương thay đổi kế hoạch gia tăng chiếu phim nội địa. Theo chính sách của địa phương, bình quân mỗi năm Thái Lan sản xuất từ 40-50 phim và cũng được khuyến khích phát hành ở các thị trường Ðông Nam Á.
Tuy nhiên với tình trạng dịch bệnh hiện nay, các rạp chiếu tại Thái Lan khó có thể được mở cửa trở lại trong thời gian gần. Suwannee Chinchiawsharn, Giám đốc điều hành SF Cinema, chuỗi rạp lớn thứ hai tại Thái Lan, cho biết: “Sẽ mất nhiều thời gian để các rạp phim được hồi phục trở lại. Một năm qua đã làm thay đổi nhiều thứ, khán giả bắt đầu quen dần với việc xem phim qua các kênh trực tuyến”.
Dịch bệnh đã làm ngành điện ảnh Thái Lan thay đổi phương thức phân phối phim. Thay vì chờ đợi để chiếu ở rạp, nhiều nhà sản xuất đã chuyển thẳng phim sang phát trực tuyến theo yêu cầu. Tuy nhiên, không ít nhà làm phim vẫn kiên trì chờ đợi với mong muốn phim được ra rạp. Bangjong Pisanthanakul, đạo diễn “The Medium”, cho biết: “Người yêu điện ảnh vẫn muốn đến rạp chiếu phim và có những phim chỉ hay nhất khi xem trên màn ảnh rộng”. Ðạo diễn Bangjong Pisanthanakul chia sẻ vẫn muốn giữ “The Medium” để chiếu ở rạp dù chưa thể biết được ngày phát hành.
Nhiều nhà làm phim kỳ vọng với việc kiểm soát tình hình dịch bệnh hiện nay tại Thái Lan, các rạp chiếu sẽ được hoạt động trở lại vào tháng 10. Tuy nhiên, để hồi phục ngành điện ảnh, Thái Lan còn cần một khoảng thời gian dài. Suwannee Chinchiawsharn - Giám đốc điều hành tại SF Cinema, nói: “Khi mở cửa trở lại, các rạp sẽ phải cung cấp không chỉ nội dung, mà còn trải nghiệm để khán giả có cảm giác họ không thể tìm thấy khi xem phim tại nhà. Dịch bệnh đã tác động và làm thay đổi thói quen của khán giả, do đó cuộc chiến giữa rạp phim và các nền tảng trực tuyến vẫn sẽ tiếp tục”.
BẢO LAM (Tổng hợp từ Nikkei Asia, Variety)