09/03/2013 - 08:31

Kế hoạch đô thị hóa của Trung Quốc

Tiềm ẩn bất ổn xã hội và khủng hoảng tài chính

Đô thị Ordos vắng bóng người của Trung Quốc. Ảnh: Le Figaro

Quá trình đô thị hóa nông thôn của Trung Quốc có thể châm ngòi cho bất ổn xã hội do tranh chấp đất đai và có nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính nếu nguồn vốn khổng lồ được đầu tư thiếu thận trọng. Đây là nhận định của một chuyên gia kinh tế hàng đầu Trung Quốc tại một cuộc họp báo bên lề cuộc họp của quốc hội nước này đang diễn ra tại Thủ đô Bắc Kinh.

Ông Chen Xiwen, Chánh văn phòng Nhóm công tác trung ương về nông thôn có nhiệm vụ hoạch định chính sách nông nghiệp của Trung Quốc, đã thừa nhận rằng nước này sẽ đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong tiến trình đô thị hóa, như khả năng bùng nổ xung đột do việc tịch thu đất nông nghiệp, thiếu thốn nguồn nước sạch, ô nhiễm môi trường và một số hệ lụy khác. “Nhiều người dân Trung Quốc đang có những nỗi lo và những nỗi lo như vậy là có thể hiểu được. Nếu tiến trình đô thị hóa trở thành tiến trình tịch thu và làm tổn hại lợi ích của người nông dân thì nó không thể bền vững và xã hội không thể duy trì được sự ổn định” - ông Chen nhìn nhận.

Li Yining, nhà kinh tế có ảnh hưởng tại Đại học Bắc Kinh, thì cảnh báo các ngân hàng của Trung Quốc có thể bị cuốn vào một đợt chi tiêu vô độ mới- điều có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính. “Khi chúng ta nói về đô thị hóa có nghĩa là đất nước sẽ chi tiêu lớn và dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính” -  ông Li nhấn mạnh.

Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia của Trung Quốc vừa cho biết Bắc Kinh sẽ ban hành các chính sách đô thị hóa trong nửa đầu năm nay. Tỷ lệ đô thị hóa hiện nay của Trung Quốc là 52,57%. Trong 3 thập niên qua, dân thành thị ở Trung Quốc đã nhảy vọt từ ít hơn 200 triệu người lên hơn 700 triệu người hiện tại. Chính phủ Trung Quốc hy vọng sẽ có khoảng 60% trên tổng số khoảng 1,4 tỉ dân của nước này là thị dân vào năm 2020.

Theo hãng tin Anh Reuters, Trung Quốc phải cần tới 40.000 tỉ NDT (khoảng 6.400 tỉ USD) cho các chương trình đô thị hóa trong kế hoạch 12 năm tới của Lý Khắc Cường, người sắp được chọn làm Thủ tướng thay thế ông Ôn Gia Bảo. Nhưng hiện nay, theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tổng số nợ trên thị trường trái phiếu mới của nước này lên đến 24.400 tỉ NDT. Hồi cuối năm 2010, các chính quyền địa phương Trung Quốc phải chi tới 10.700 tỉ NDT chủ yếu để thanh toán nợ xấu cho các ngân hàng tham gia vào gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỉ NDT của chính phủ.

Mặt khác, tính hiệu quả trong phát triển đô thị cũng là vấn đề đáng bận tâm. Trước đây, trong tình trạng đầu cơ do bất động sản lên cao chót vót, mỗi năm nước này có hơn 20 khu đô thị hiện đại mới được hình thành. Tuy nhiên, nhiều khu đô thị đã không thể thu hút người đến thuê hay mua nhà, khiến chúng được gọi là “đô thị ma” hoặc “thành phố ma”. Chẳng hạn, năm 2004, thành phố Ordos thuộc khu tự trị Nội Mông đã đầu tư 2 tỉ euro xây dựng một đô thị vệ tinh khổng lồ có thể tiếp đón 300.000 người đến sinh sống, nhưng cái đô thị được mệnh danh là “Dubai của Trung Quốc” chỉ thu hút chưa tới 30.000 người đến ở. Năm 2010, có hơn 60 triệu căn hộ và nhà mới không có người ở tại Trung Quốc.

ĐỨC TRUNG
(Theo Reuters, Le Figaro)

Đô thị Ordos vắng bóng người của Trung Quốc. Ảnh: Le Figaro

Chia sẻ bài viết