09/06/2016 - 21:50

Quận Thốt Nốt

TÍCH CỰC HỖ TRỢ NÔNG DÂN, DOANH NGHIỆP HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

Thời gian qua, Quận ủy, UBND quận Thốt Nốt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể thực hiện các giải pháp giúp nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và chất lượng, tính cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Qua đó, nhiều Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn quận đã được hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song song với chuẩn bị mọi nguồn lực để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, quận đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại, tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…

* Nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp

Tham quan HTX Giống Nông nghiệp Thốt Nốt (phường Trung Kiên), chúng tôi khá bất ngờ trước hệ thống máy móc hiện đại phục vụ cho việc sản xuất lúa giống với quy mô lớn. Lúa từ lò sấy được đưa thẳng đến máy tách hạt chuyên dụng thông qua hệ thống băng chuyền. Hệ thống nhà kho rộng rãi, bố trí khoa học. Các khu sản xuất được trang bị máy móc thiết bị hiện đại, công suất lớn, giá thành cho vận hành ở mức thấp, đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường. Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc HTX Giống Nông nghiệp Thốt Nốt, cho biết: "Năm 2013, HTX Giống Nông nghiệp Thốt Nốt đã đầu tư trên 4 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc dây chuyền hiện đại để mở rộng quy mô sản xuất lúa giống. Hiện nay, HTX sản xuất và bán trên 10 giống lúa nguyên chủng và xác nhận ra thị trường với sản lượng trung bình trên 1.000 tấn/năm, ước tính tổng doanh thu trên 10 tỉ đồng". HTX Giống Nông nghiệp Thốt Nốt được thành lập từ năm 2008, chuyên sản xuất và cung ứng lúa giống. HTX có 19 xã viên, đa phần là nông dân các phường Trung Kiên, Thới Thuận (quận Thốt Nốt) và xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ), với vốn điều lệ 500 triệu đồng, canh tác trên diện tích 46 ha. Trong quá trình phân chia lại địa giới hành chính, đến nay, HTX có 17 thành viên, với vốn điều lệ trên 1 tỉ đồng và canh tác trên diện tích 60ha. HTX còn hợp đồng với bà con nông dân chuyên sản xuất lúa giống trong và ngoài thành phố với diện tích trên 100 ha. Các giống chủ lực của HTX là: Jasmine, OM 4218, OM 5451 và IR 50404,... Trung bình, 1 kg lúa giống có giá từ 10.000 đến 11.000 đồng. Để có nguồn giống phong phú và đảm bảo chất lượng, HTX trực tiếp cung cấp giống cho các hộ sản xuất lúa giống và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của bà con với giá cao hơn thị trường là 600 đồng/kg. Bên cạnh đó, HTX còn hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa và cấy lúa một tép để tiết kiệm lúa giống, phân bón, công chăm sóc, mang lại lợi nhuận cao.

HTX Giống Nông nghiệp Thốt Nốt là một trong nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quận đạt hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ. Theo ông Nguyễn Hữu Tặng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, trên địa bàn quận có trên 95% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Đến nay, quận đã xây dựng được 6 cánh đồng lớn với tổng diện tích trên 595 ha, thu hút 690 hộ tham gia. Nhìn chung, các cánh đồng lớn đều áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Được tập huấn về kỹ thuật sản xuất nên nông sản HTX rau an toàn Phúc Thạnh luôn đạt năng suất và chất lượng đảm bảo. 

Song song đó, quận Thốt Nốt tập trung xây dựng vùng sản xuất rau màu chuyên canh theo hướng an toàn có diện tích trên 83 ha, với 154 hộ tham gia. Trong đó, mỗi tổ liên kết hay HTX sản xuất rau an toàn có quy mô từ 5 đến 10 ha. Ông Võ Văn Lăng, Giám đốc HTX rau an toàn Phúc Thạnh, cho biết: "HTX được thành lập vào năm 2013, hiện có 9 thành viên, với diện tích 5,3 ha và vốn điều lệ là 120 triệu đồng. HTX chủ yếu cung cấp các loại rau như: hẹ, hành, cải, ớt... với số lượng khoảng 1 tấn/ngày. Năm 2015, HTX rau an toàn Phúc Thạnh được Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm thành phố cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm". Theo một số thành viên HTX, trước đây, khi chưa vào HTX, nông dân mạnh ai nấy làm nên sản phẩm làm ra bị các tư thương ép giá, thu nhập không cao. Từ khi tham gia HTX, được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, sản phẩm đạt năng suất, chất lượng và có đầu ra ổn định nên đời sống của các hộ ngày càng khấm khá. Ông Tô Văn Nhường, thành viên HTX rau an toàn Phúc Thạnh phấn khởi cho biết: "Từ khi thành lập HTX đến nay, các thành viên HTX thường xuyên được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Hiện tại, HTX đang chuẩn bị đăng ký thương hiệu sản phẩm HTX rau an toàn Phúc Thạnh để mở rộng thị trường trong và ngoài nước". Các nông hộ trồng màu chuyên canh được các ngành tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng an toàn, hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là tự giác thực hiện quy trình sản xuất sạch để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

* Tập trung những khâu mũi nhọn, đột phá

Theo ông Nguyễn Hữu Tặng, Phó Chủ tịch UBND quận, trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nghề nuôi cá tra ở quận Thốt Nốt được xem là một trong những ngành mũi nhọn hướng đến xuất khẩu. Năm 2015, quận có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 612 ha, trong đó, diện tích nuôi cá tra thịt trên 488 ha, với tổng sản lượng thu hoạch đạt trên 70.200 tấn. Hiện nay, vùng nuôi cá tra nguyên liệu, các công ty và các HTX trên địa bàn quận đều áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến như: GlobalGAP, VietGAP, BMP... đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc trên sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

Nhờ liên kết sản xuất, HTX Giống Nông nghiệp Thốt Nốt sẵn sàng cung cấp trên 1.000 tấn lúa giống ra thị trường/năm.

Đi đôi với tập trung xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế, trên lĩnh vực công nghiệp, quận chú trọng phát triển các ngành chủ lực như: Ngành chế biến thủy sản đông lạnh, xay xát và chế biến lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc, thủy sản... Hiện nay, toàn quận có 1.237 cơ sở sản xuất (134 doanh nghiệp). Trong đó, có 32 nhà máy xay xát và 48 doanh nghiệp lau bóng gạo. Thời gian qua, quận chú trọng phối hợp với các ngành hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tham gia xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường. Hiện nay, quận có 12 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. Song song đó, quận tập trung hoàn thiện các cơ sở hạ tầng để thu hút các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nhiều dự án trên địa bàn Thốt Nốt. Trong đó có dự án Siêu thị Co.opmart Thốt Nốt có diện tích 1,3 ha, với tổng mức đầu tư trên 67 tỉ đồng, do Liên minh HTX Thương mại thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Quy mô xây dựng 1 trệt, 1 lầu, dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 12-2016. Bên cạnh đó, năm 2013, cầu Vàm Cống được khởi công xây dựng với tổng kinh phí trên 6.500 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành trong tháng 9-2017. Sau khi những công trình hoàn thành sẽ tạo thuận lợi trong giao thông và góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quận Thốt Nốt.

Trao đổi về một số công tác trọng tâm trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Tặng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho rằng một trong những yếu tố tiên quyết trong quá trình hội nhập là phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu hội nhập. Song song đó, quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt đối với các khu công nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của quận; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng đầu tư và khuyến khích đổi mới trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả cạnh tranh. Quận cũng tăng cường công tác phối hợp với Sở Công thương thành phố thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; triển khai thực hiện các đề án chương trình liên quan đến hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Trong lĩnh vực nông nghiệp, quận tiếp tục triển khai sản xuất lúa tập trung theo cánh đồng lớn và các mô hình sản xuất theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm, VietGAP. Tập trung phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời xây dựng thương hiệu nông sản cho các sản phẩm chủ lực của quận...

Bài, ảnh: Thanh Thư

Chia sẻ bài viết